[Audio] "Cô nuôi" bươn chải dịp hè

21/07/2023 14:30

Dịp hè, nhiều nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải tạm thời nghỉ việc. Không có nguồn thu nhập, họ phải làm thêm nhiều việc khác để trang trải cuộc sống.

00:00


Chị Nguyễn Thị Hưng, nhân viên cấp dưỡng Trường Mầm non Nhật Tân (Gia Lộc) đi làm công nhân thời vụ vào dịp hè

Đi làm công nhân thời vụ

Trời nhá nhem tối cũng là lúc chị Nguyễn Thị Hưng, 32 tuổi, ở xã Nhật Tân (Gia Lộc) từ công ty trở về nhà. Đã 2 tháng nay, chị đi làm công nhân may thời vụ tại một doanh nghiệp trong huyện. Công việc khá bận, thường xuyên phải tăng ca nhưng mang lại nguồn thu nhập chính trong lúc chị tạm thời nghỉ việc tại trường học. Vốn là nhân viên cấp dưỡng của Trường Mầm non Nhật Tân nhưng dịp hè số lượng trẻ đăng ký ăn bán trú quá ít nên nhà trường đành phải cắt giảm số lượng "cô nuôi". Chị Hưng làm công việc cấp dưỡng ở trường mầm non được 2 năm với mức lương 4,1 triệu đồng/tháng, không có phụ cấp thêm. Với số tiền ấy, chị phải trích ra để mua bảo hiểm y tế, đóng bảo hiểm xã hội cho bản thân. Công việc khá vất vả, thu nhập thấp khiến chị Hưng cũng có lúc nản lòng. “Nếu không có đủ đam mê với nghề, thì nhiều nhân viên cấp dưỡng đã nghỉ việc tại trường để tìm công việc khác”, chị Hưng chia sẻ. 

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc, toàn huyện có 7 nhân viên cấp dưỡng mầm non phải tạm thời nghỉ việc trong dịp hè. Một số "cô nuôi" xin làm công nhân thời vụ, một số cô làm thêm tại nhà. Để giữ chân các "cô nuôi", một số trường học phải bố trí cho họ làm việc luân phiên trong tháng. 

Trường Mầm non xã An Thanh (Tứ Kỳ) có hơn 500 học sinh nhưng chỉ 1/4 số trẻ đăng ký học, ăn bán trú dịp hè. Nếu nhà trường duy trì 5 nhân viên cấp dưỡng mầm non như trong năm học sẽ khó trả lương cho họ. Vì vậy, trường phải cho 3 "cô nuôi" tạm thời nghỉ việc trong mấy tháng hè. Chị Phạm Thị Linh (36 tuổi) là 1 trong 3 nhân viên cấp dưỡng nghỉ việc dịp hè cho biết hằng ngày chị đi bắt cáy bán. Tuy thu nhập không đáng là bao nhưng cũng giúp trang trải thêm chi phí sinh hoạt trong gia đình. Chồng chị Linh là lao động tự do, 3 con đang độ tuổi ăn học, nếu không làm thêm thì chi tiêu của gia đình càng eo hẹp. Vì thu nhập thấp nên chị Linh không đủ điều kiện tham gia đóng bảo hiểm xã hội. 

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo một số huyện, tình trạng "cô nuôi" phải tạm thời nghỉ việc trong dịp hè là thực trạng đang diễn ra ở một số trường học trong tỉnh. Các "cô nuôi" đa số đều đã trung tuổi nên tìm các công việc làm thêm cũng khó khăn do nhu cầu tuyển dụng ít. 

Công việc vất vả 

Giáo dục và nuôi dưỡng trẻ ở trường mầm non rất quan trọng nhưng nhân viên cấp dưỡng ở các trường hiện chưa được quan tâm đúng mức. Công việc vất vả, đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo trong khi thu nhập thấp đang là nỗi trăn trở của những người làm nhân viên cấp dưỡng. Bà Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Thanh cho biết: "Lương chi trả cho các cô nuôi lấy từ nguồn phụ huynh đóng góp, ngoài ra không có phụ cấp nào khác. Mức lương thấp rất khó để thu hút, tuyển dụng các nhân viên cấp dưỡng, nhất là người có trình độ và muốn gắn bó lâu dài với nghề này”. 

Theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, cứ 35 trẻ nhà trẻ và 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn. Trái ngược với dịp hè, trong năm học số lượng "cô nuôi" quá ít so với số trẻ ăn bán trú khiến công việc của các nhân viên cấp dưỡng mầm non vất vả. Nguyên nhân một số trường không tìm đủ số lượng "cô nuôi"; một số trường không bố trí được kinh phí chi trả lương. Điển hình như các Trường Mầm non Văn Tố, An Thanh (Tứ Kỳ) trong năm học, trung bình một ngày mỗi nhân viên cấp dưỡng phải nhận nấu ăn cho 100 trẻ. Không chỉ áp lực về thời gian mà mọi công đoạn đều phải làm cẩn thận, đúng quy trình để bảo đảm bữa ăn đủ chất và an toàn cho trẻ. 

NGUYỄN THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] "Cô nuôi" bươn chải dịp hè