[Audio] Chăn nuôi sạch để bảo vệ môi trường

25/05/2023 11:00

Để hạn chế ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi, ngày càng nhiều trang trại trên địa bàn Hải Dương áp dụng công nghệ mới để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm.

00:00


Gia đình anh Nguyễn Văn Cẩm ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) nuôi giun dưới chuồng thỏ giúp giảm tối đa nguồn chất thải chăn nuôi ảnh hưởng đến môi trường; giun còn làm nguồn thức ăn cho ba ba, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế

Xử lý chất thải

Trang trại rộng hơn 20 ha của ông Đào Văn Viển ở xã Đông Xuyên (Ninh Giang) nằm cạnh bờ sông Cửu An. Đây là trang trại có mô hình nuôi cá “sông trong ao” lớn nhất tỉnh với sản lượng tiêu thụ lên tới 500 tấn/năm. 2 trại nuôi vịt thịt ở đây rộng hàng nghìn m2, mỗi lứa nuôi khoảng 5 vạn con. Quy mô chăn nuôi rộng lớn như vậy nhưng trang trại không hề phát thải ra ngoài môi trường. Hệ thống hút phân cá và chất thải đáy ao được thu gom triệt để. Toàn bộ chất thải trong trang trại đều nằm trong vòng tuần hoàn, khép kín. 17 bể biogas composite là nơi xử lý chất thải để làm nhiên liệu úm vịt và chất đốt trong sinh hoạt.

Ông Đào Văn Viển chia sẻ: “Hệ thống mái các trại nuôi được tận dụng để lắp điện mặt trời. Đây là nguồn cung cấp điện vận hành toàn bộ hoạt động của trang trại. Bên dưới là hệ thống xử lý chất thải tuần hoàn, khép kín nên không phát sinh mùi hôi, an toàn và góp phần làm cho môi trường trong sạch, từ đó không có dịch bệnh, vật nuôi trong trang trại phát triển ổn định”.

Thay vì biến chất thải thành chất đốt thì trang trại nuôi thỏ của anh Nguyễn Văn Cẩm ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) lại tận dụng toàn bộ chất thải của thỏ làm thức ăn cho giun và thu gom để bán cho các hộ trồng cây ăn quả nên giảm tối đa mùi hôi ra ngoài khu vực chuồng nuôi. Mỗi dãy chuồng thỏ được đặt cách mặt đất gần 1 m, phía dưới là các bể nuôi giun rộng 1,2 - 1,5m, cao chừng 16 - 17 cm và được xây tường bao quanh. Khoảng cách giữa các dãy chuồng nuôi thỏ rộng 90 cm được xây để làm lối đi lại tiện cho thỏ ăn uống.

Cũng nhờ cách nuôi kết hợp này mà anh Cẩm giải quyết tốt được vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nuôi thỏ và có thêm nguồn thu nhập. Trước đây, trang trại dùng máy ép phân khô nhưng vẫn có nước thải chảy ra môi trường nên hiệu quả xử lý chưa cao. Từ khi nuôi giun bên dưới chuồng thỏ đã giúp tiết kiệm được nhiều công vệ sinh chuồng trại, giảm tối đa nguồn chất thải chăn nuôi ảnh hưởng đến môi trường. "Giun được thu gom hằng ngày để làm thức ăn cho ba ba, giúp nhà tôi tiết kiệm được khoảng 70% chi phí. Phân giun được dùng bón rau xanh, cây ăn quả, cỏ voi để lấy thức ăn cho đàn thỏ hoặc bán cho các hộ dân có nhu cầu”, anh Cẩm nói.

Lợi ích kép


Toàn bộ chất thải chăn nuôi vịt được thu gom và ủ trong các bể biogas để tận dụng làm nhiên liệu tái sử dụng

Xử lý chất thải bằng hầm biogas hay nuôi giun quế đang được nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh áp dụng, nhất là mô hình nuôi giun quế bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trang trại của  anh Nguyễn Duy Công ở thôn Kinh Dương, xã Thái Dương (Bình Giang) là một trong những trang trại chăn bò quy mô lớn. Để hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế, anh kết hợp mô hình nuôi bò và giun quế. Trên diện tích đất khoảng 1 ha, anh Công xây dựng 2 chuồng nuôi bò, 9 khu nuôi giun quế.

Theo anh Công, giun quế được ví như một nhà máy xử lý phân hiệu quả, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Phân giun không chỉ tốt cho cây trồng mà còn tăng khả năng cải tạo đất. Phân giun quế được bán cho các doanh nghiệp, cá nhân để làm phân bón hữu cơ với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg, giun quế bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi tháng anh Công thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ nuôi giun. 

Trước đây, chăn nuôi thường là một trong những nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường. Chất thải, nước thải chưa qua xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ sinh thái khu vực. Các chất thải này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng các chi phí phòng trị bệnh, giảm năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế không cao... Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, chủ các cơ sở chăn nuôi tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ để xử lý chất thải như xây hầm biogas, xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học, công nghệ ép tách phân, xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học và che phủ kín giúp bảo vệ môi trường.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở chăn nuôi và 2.000 ha nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và thủy sản không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động mà còn giảm phát thải góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế. 

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay việc xử lý chất thải ra môi trường trong chăn nuôi là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng chăn nuôi cũng như sức khỏe con người. Việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Đây là lợi ích kép các mô hình chăn nuôi công nghệ cao mang lại.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Chăn nuôi sạch để bảo vệ môi trường