[Audio] Bình Giang - Điển hình mất cân bằng giới tính khi sinh

30/06/2023 11:12

Huyện Bình Giang đang có tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh cao nhất tỉnh Hải Dương và gặp không ít khó khăn để kiểm soát thực trạng này.

00:00


Viên chức dân số Trạm Y tế xã Vĩnh Hưng tuyên truyền biện pháp tránh thai cho một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Cao nhất từ trước tới nay

Theo tổng hợp của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Hải Dương, quý I năm nay, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của huyện Bình Giang cao nhất tỉnh với 167,57 bé trai/100 bé gái (tỷ lệ trung bình toàn tỉnh là 122,47 bé trai/100 bé gái). Còn theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Bình Giang, 5 tháng đầu năm nay, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trong toàn huyện là 151 bé trai/100 bé gái, cao nhất từ trước tới nay. Nhiều xã, thị trấn trong huyện có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh lên tới 200 bé trai/100 bé gái.

Xã Thái Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất huyện. 5 tháng đầu năm, toàn xã có 27 trẻ được sinh ra thì có 18 bé trai, chỉ có 9 bé gái. “Khảo sát cho thấy đa số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mong muốn sinh con thứ 3. Nhiều người đã có cả con trai và con gái nhưng vẫn muốn sinh thêm bé trai”, chị Vũ Thị Đảm, viên chức dân số Trạm Y tế xã Thái Dương thông tin. 

Với mong muốn có con trai, nhiều cặp vợ chồng ở huyện Bình Giang, trong đó có không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên quyết tâm sinh con thứ 3, thậm chí là thứ 4. Thống kê của Trạm Y tế xã Vĩnh Hưng cho thấy 5 tháng đầu năm nay trong số 36 trẻ được sinh ra thì có 10 ca sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có 1 đảng viên. Tính chung toàn huyện, 5 tháng qua đã có 34 đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ 3, tăng 19 người so với cùng kỳ năm 2022.

Khảo sát cho thấy đa số những gia đình sinh con thứ 3, thứ 4 ở đây đều có điều kiện kinh tế dư dả. Họ là những gia đình sinh con một bề hoặc chỉ toàn nam hoặc chỉ toàn nữ, cũng có gia đình đã có cả nam và nữ nhưng vẫn muốn có thêm người. Chị V.T.H. ở xã Vĩnh Hưng vừa sinh con thứ 4 cho hay: “3 đứa trước là nữ rồi nên chúng tôi muốn sinh thêm cháu trai để sau này còn có người phụng dưỡng lúc về già. Giờ điều kiện kinh tế cũng khấm khá hơn trước nên việc nuôi thêm đứa nữa cũng không có gì đáng ngại”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Bình Giang cao. Viên chức dân số ở một số trạm y tế trong huyện cho biết mặc dù không ai nói ra nhưng tư tưởng thích con trai, muốn có người nối dõi tông đường vẫn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ gia đình sinh con một bề là nữ. Nhiều cặp vợ chồng chịu áp lực từ gia đình, họ hàng nên quyết tâm phải sinh bằng được con trai. Sự phát triển không ngừng của khoa học, kỹ thuật giúp các cặp vợ chồng có thể lựa chọn giới tính của con hoặc chẩn đoán sớm giới tính thai nhi...


Nhiều phụ nữ ở Bình Giang cố sinh con trai dù tuổi đã khá cao

Không ít khó khăn

Năm 2022, UBND huyện Bình Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cân bằng giới tính khi sinh của huyện là 112 bé trai/100 bé gái và đến năm 2030 là 109 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, khả năng đạt mục tiêu này đang bị đe dọa bởi không ít khó khăn.

Để giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên thì một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi từ cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đến mọi thành phần trong xã hội. Công tác này vẫn đang được huyện Bình Giang duy trì bằng đa dạng các hình thức khác nhau. Đa số người dân nhận thức được những hệ quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng hành vi thì chưa thay đổi, vẫn muốn đẻ nhiều con và đặc biệt phải có con trai. Tư tưởng này khiến cho việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều trở ngại.

Theo bà Vũ Thị Vinh, Phó Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khoẻ Trung tâm Y tế huyện Bình Giang, do khó khăn về kinh phí nên thời gian gần đây hoạt động truyền thông về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe, trong đó có việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh hạn chế hơn trước. Cán bộ làm công tác dân số ít, từ ngày sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện lại phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ nên cũng làm hạn chế khả năng tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên ngành. Do chế độ phụ cấp thấp nên ở nhiều nơi trong huyện không còn duy trì được cộng tác viên dân số. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi gặp nhiều trở ngại, khó thực hiện.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
[Audio] Bình Giang - Điển hình mất cân bằng giới tính khi sinh