Chia sẻ với PV, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, sự xuất hiện của các nguyên thủ quốc gia lớn tại Tuần lễ hội nghị APEC tại Đà Nẵng (6-11/11) sẽ đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam.
- Theo ông, sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập và nhiều lãnh đạo cấp cao các nước tại Tuần lễ hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng sẽ đem lại cơ hội phát triển kinh tế như thế nào?
- Rõ ràng sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều nguyên thủ các nước tham dự APEC 2017 tại Việt Nam cho thấy các nước rất quan tâm tới nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Các nhà lãnh đạo của những nước lớn này đều muốn có sự thay đổi, đổi mới để tạo ra sự phát triển, khăng khít và quan hệ khác biệt hơn với Việt Nam. Tôi rất kỳ vọng kết quả của cuộc gặp này sẽ giúp cho doanh nghiệp của ta có nhiều cơ hội và là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong những năm tới.
Riêng sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ thì dù nước này đã rút khỏi TPP, nhưng quan hệ song phương với các nước vẫn sẽ tiếp tục được tăng cường.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân. |
- So với lần đầu Việt Nam đăng cai APEC năm 2006 tại Hà Nội thì lần này vị thế nước chủ nhà Việt Nam đã có gì khác trước?
- Sau hơn 10 năm kể từ sau kỳ APEC 2006 lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội, tới nay kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển động rõ nét. Việt Nam đã mở được cơ hội xuất khẩu hàng hoá sang các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều mặt hàng thuộc nhóm "bảo hộ cao" như nông sản...
Các mặt hàng như thủ công, may mặc thường hay có những yếu tố cạnh tranh của các nước khác trong việc đánh thuế, tính chi phí như bán phá giá thì chúng ta đã có những thỏa thuận rất tốt và đưa được tới các nước.
Tất nhiên, khi đã mở cửa, việc hàng hoá các nước được nhập vào Việt Nam nhưng ở trình độ công nghệ cao hơn cũng sẽ làm ảnh hưởng cạnh tranh với hàng hóa trong nước.
Vấn đề chúng ta lựa chọn xem đánh đổi như thế nào, đem những gì là thế mạnh ra bên ngoài và chấp nhận những sản phẩm hàng hóa của bạn vào đây nhưng không phải là thế mạnh, đối đầu trực tiếp với chúng ta. Nếu chúng ta làm được việc đó thì sẽ lấp được khoảng trống và đồng thời, khai thác được thế mạnh.
Bên cạnh đó, có những yếu tố ngoài thỏa thuận thương mại thì còn có yếu tố về mặt rào cản kỹ thuật nên trong các thỏa thuận, đàm phán phải hết sức chú ý tình tiết đó để luôn giữ thế không phải rơi tình trạng bất lợi.
- Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội mới tại kỳ APEC lần này?
- Cơ hội của APEC lần này có hai yếu tố. Thứ nhất phải lựa chọn các nhà đầu tư bên ngoài, công nghệ, sản phẩm bên ngoài đưa vào. Cái đó sẽ giúp bản thân nền kinh tế trong nước phát triển. Đồng thời, thông qua việc chấp nhận lưu chuyển hàng hóa của các nước vào trong nước thì phải đưa ra được các điều kiện để xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài.
Hai vấn đề này phải song song với nhau và quá trình thỏa thuận phải đạt được cam kết tương đối chặt chẽ, rõ ràng. Ngoài đạt được thoả thuận thì phải nâng cao năng lực về pháp lý, kiểm soát để tránh công nghệ cũ, công nghệ rác được "tuồn" vào Việt Nam thông qua những thoả thuận thiếu tính chặt chẽ; hay hàng hoá trong nước vì vướng rào cản kỹ thuật mà không thể xuất khẩu được...
- Ông trông đợi gì ở Năm APEC 2017, nhất là Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra từ 6-11/11 tại Đà Nẵng?
- Trước hết APEC là nơi hội tụ của các nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Do vậy, đây là nơi kết nối cho rất nhiều mối quan hệ thương mại đã được xác lập từ trước và sau mỗi kỳ APEC đều có những ký kết giữa các quốc gia với nhau, cũng như các doanh nghiệp đi kèm với các quốc gia.
Điều này, luôn tạo ra được sự thay đổi đột biến qua các tuyên bố, thỏa thuận được đưa ra.
Đối với APEC 2017 ở Việt Nam, tôi nghĩ chắc chắn sẽ giúp chúng ta có nhiều cơ hội. Thứ nhất, chúng ta nhìn thấy thỏa thuận trước đây về TPP, nếu như không có sự thay đổi của Mỹ đã thành công. TPP bây giờ chưa hình thành nhưng tất cả các doanh nghiệp và quốc gia cũng sẽ nhìn đến một thỏa thuận nào đó, có thể chưa được như TPP cũng phải có tương đối để tạo ra sự thông thoáng, liên kết giữa các nước trong khu vực...
APEC 2017 sẽ là cơ hội rất tốt để các nước siết lại gần nhau hơn, cái gì mà TPP chưa làm được Hội nghị này sẽ thể hiện.