Theo thống kê từ Bộ Công thương, năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62.000 tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2017.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất nhôm ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc
Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Như vậy, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49% đến 35,58%.
Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra áp thuế trong vụ việc là 16 công ty.
Trước đó, Bộ Công thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 1.2019 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 10.2018.
Việc điều tra được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các chỉ số như hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%, trong một số trường hợp giá bán còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp chống bán phá giá.
Ngoài ra, kết quả này cũng đáp ứng các điều kiện bắt buộc theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan để áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Cụ thể là có tồn tại đủ 3 yếu tố về hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc; thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, và hành vi bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn tới thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
Trên cơ sở kết quả điều tra, thực hiện quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm nhôm nêu trên để giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước vốn đang bên bờ vực thua lỗ, phá sản do tác động từ lượng lớn nhôm Trung Quốc được bán phá giá vào Việt Nam.
Tại thời điểm hiện tại, hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức được phân loại theo các HS: 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.21.90 (mã vụ việc AD05).
Các sản phẩm này dùng làm cửa nhôm, vách nhôm, tủ nhôm, trang trí nội ngoại thất, kết cấu trong xây dựng nhà cửa và các công trình xây dựng khác hoặc dùng làm các chi tiết máy móc, kết cấu trong lĩnh vực công nghiệp và các mục đích khác.
Theo thống kê từ Bộ Công thương, năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62.000 tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2017. Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu.
Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến 2018 chỉ còn chưa đến 5.000 tấn.
Cũng trong năm 2018, Mỹ đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam.
Kết luận sơ bộ của vụ việc này vừa được công bố cách đây 2 tuần cho thấy sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc trước đó. Chính vì vậy, Mỹ tuyên bố áp thuế suất lên tới 374,15% đối với các sản phẩm này của Việt Nam.
Hơn nữa, trong số các sản phẩm nhôm đùn xuất xứ từ Việt Nam bị kết luận là lẩn tránh thuế có một số mã HS thuộc phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo Quyết định 2942/QĐ-BCT của Bộ Công thương.
Việc Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm nhôm từ Việt Nam có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhôm chân chính của Việt Nam cả về lợi nhuận lẫn uy tín khi các công ty này vốn đã phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung ngày càng diễn biến căng thẳng và chưa có hồi kết.
Vì thế, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đồng thời góp phần ngăn chặn dòng hàng hóa lẩn tránh qua Việt Nam.
Ngoài ra, mức thuế chống bán phá giá chính thức dao động từ 2,49 đến 35,58% đã phản ánh sự cân nhắc của Bộ Công Thương đối với lợi ích của người tiêu dùng và các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm nhôm thanh.
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài với các sản phẩm đúng quy cách, chất lượng và giá bán đúng quy luật và có sự tham gia, hợp tác đầy đủ, cung cấp các thông tin, số liệu chính xác được xác định biên độ bán phá giá phù hợp. Đặc biệt, qua đây hàng hóa trôi nổi chất lượng thấp bán phá giá sẽ bị ngăn chặn với mức thuế chống bán phá giá chính thức tương đối cao.
Theo quy định, biện pháp chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định 2942/QĐ-BCT có hiệu lực. Vì thế, hằng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.
Theo TTXVN