Áp lực từ rác thải sinh hoạt. Bài 1: Bãi chôn lấp quá tải

09/04/2019 10:51

Rác thải ngày càng nhiều làm cho hầu hết các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt (RTSH) quá tải, trở thành điểm ô nhiễm môi trường (ONMT) nghiêm trọng...

Bãi rác ở thị trấn Thanh Hà ngập ngụa, bốc mùi hôi thối

Dân khổ

Theo tính toán sơ bộ của cơ quan chuyên môn, tổng lượng RTSH trong tỉnh khoảng 900 tấn/ngày đêm, trong đó khu vực đô thị khoảng 308 tấn, khu vực nông thôn khoảng 592 tấn. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý RTSH của TP Hải Dương đạt 95%, các đô thị khác đạt từ 75 - 80%. Đối với khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom, xử lý RTSH đạt khoảng 75%. Ngoài TP Hải Dương và một số xã, thị trấn của các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Bình Giang, rác được thu gom, xử lý tại các nhà máy xử lý rác thải, còn RTSH của các địa phương khác trong tỉnh mới chỉ được thu gom, chôn lấp tại các bãi chôn lấp tập trung. Thành phần RTSH khu vực đô thị gồm đồ ăn thừa, giấy, bìa carton, giẻ, vải vụn, nhựa, nilon, thủy tinh... và một phần chất thải nguy hại. Trong đó, chất thải hữu cơ chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 60%). RTSH khu vực nông thôn chủ yếu là rác hữu cơ (chiếm 67%), rác thải có thể tái chế gồm giấy, bìa các loại, túi nilon, nhựa, thủy tinh, kim loại... chiếm khoảng 26% tổng khối lượng. Rác thải không thể tái chế, tái sử dụng gồm cát, sỏi, xỉ than, phế thải xây dựng chiếm khoảng 7%. Thời gian qua, lượng RTSH không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Rác thải tăng tạo thành áp lực lớn đối với chính quyền các địa phương. Bãi rác tập trung thị trấn Thanh Hà rộng 12.000m2, mỗi ngày tiếp nhận hơn 10 tấn RTSH các loại. Tại bãi rác này, RTSH mới được xử lý theo phương pháp chôn lấp thông thường. Do lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều nên việc xử lý rác gặp khó khăn, bãi rác thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Hà cho biết: “Hằng tháng chúng tôi phải thuê máy cẩu để vun rác lên cao. Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế vì nếu chỉ xử lý bằng cách chôn lấp, ủ rác, phun chế phẩm sinh học để khử mùi thì bãi rác sẽ nhanh chóng bị lấp đầy. UBND thị trấn đã đề xuất di dời bãi rác sang vị trí khác phù hợp hơn nhưng chưa được UBND huyện chấp thuận”.

Ông Nguyễn Văn Doanh ở khu 5, thị trấn Thanh Hà cho biết: “Bãi rác cách gia đình tôi chỉ khoảng 200 m. Mùi hôi thối, mùi khét của khói và ruồi nhặng khiến chúng tôi rất khổ sở. Ngày mưa thì nước thải đen ngòm chảy lênh láng, ngày nắng khói đốt rác dày đặc như sương làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình". Hiện cả khu nhà nào cũng phải lắp các loại cửa bằng inox, kính để ngăn khói bụi và ruồi nhặng vào nhà. Nhiều hôm mùi hôi thối, khói theo gió thổi vào nhà làm cho người dân không sao ngủ được, nhiều bữa phải bỏ cả cơm. Nhân dân trong khu đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Xã Cao An (Cẩm Giàng) hiện có khoảng 8.600 dân, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 4 tấn rác. Bãi rác rộng khoảng 5.000 m2, đưa vào sử dụng từ năm 2015. Chỉ sau 4 năm sử dụng, bãi rác đã quá tải, rác chất cao như núi. Dự kiến chỉ từ 1 - 2 năm nữa, xã Cao An sẽ không còn chỗ để chứa rác. Rác ở đây cũng chỉ được xử lý bằng cách chôn lấp và đốt làm những hộ lân cận không khỏi bức xúc. 

Ô nhiễm môi trường

Nhiều bãi chôn lấp rác thải tập trung đã quá tải. Trong ảnh: Bãi rác thị trấn Kinh Môn đầy ứ

Ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhiều bãi chôn lấp RTSH đã quá tải hoặc diện tích sử dụng không còn nhiều. Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ninh Giang, toàn huyện hiện có 67 bãi chôn lấp rác thải tập trung đang hoạt động. Hầu hết các bãi chôn lấp rác đều không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, tỷ lệ lấp đầy đã đạt trung bình khoảng 80%.

Tại huyện Kinh Môn, lượng RTSH phát sinh mỗi ngày của 25 xã, thị trấn lên tới 86 tấn. Trong đó, mới có 85% lượng rác phát sinh được thu gom; 100% lượng rác thu gom chỉ được xử lý bằng cách chôn lấp. Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải tập trung của huyện đã quá tải. Do RTSH không được phân loại, phương pháp xử lý chỉ là chôn lấp thông thường nên các bãi chôn lấp rác thải tập trung trở thành điểm ô nhiễm môi trường lớn. Các loại rác hữu cơ, vô cơ, thậm chí chất thải nguy hại đều được chôn chung vào một chỗ có thể phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực cho môi trường và sức khỏe người dân. Nhiều bãi rác gần khu dân cư, các hộ hằng ngày phải sống chung với khói, mùi xú uế, ruồi, muỗi... Vào mùa mưa, nước thải đen ngòm từ bãi rác chảy ra kênh rạch, đồng ruộng, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 835 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 179 bãi chôn lấp hợp vệ sinh được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng. Nhiều bãi rác quy mô nhỏ, diện tích từ vài chục đến vài trăm m2. Các bãi rác loại này phần lớn tận dụng các vùng ruộng trũng, ao, hồ. Rác không được phân loại, bãi rác không lót đáy, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, không xây dựng tường bao ngăn cách, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Toàn tỉnh hiện vẫn còn 46 điểm chôn lấp tự phát, trong đó huyện Cẩm Giàng có 17 điểm, Gia Lộc 13 điểm, TP Chí Linh 7 điểm, Kim Thành 4 điểm, Thanh Miện 3 điểm, các huyện Tứ Kỳ và Bình Giang mỗi nơi 1 điểm. Nhiều bãi chôn lấp rác thải tập trung đã đầy, trở thành điểm ONMT lớn như bãi rác của các thị trấn Phú Thái và các xã Kim Lương, Kim Xuyên (Kim Thành), các thị trấn Tứ Kỳ, Ninh Giang, Lai Cách (Cẩm Giàng), Thanh Hà; bãi rác các xã Hồng Lạc (Thanh Hà), Quốc Tuấn, Thanh Quang, An Lâm (Nam Sách…

VỊ THỦY - ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực từ rác thải sinh hoạt. Bài 1: Bãi chôn lấp quá tải