Áp lực trong phòng chống thiên tai

22/05/2018 10:36

Vài năm trở lại đây, nhiều tình huống thiên tai bất thường xuất hiện đã gây ra những hậu quả nặng nề. Năm 2017, Hải Dương phải đối mặt với nhiều loại hình thời tiết cực đoan và đạt đến cực điểm.


Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai của các công trình thủy lợi, đê điều là một trong những giải pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra

Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, tạo ra thách thức lớn đối với công tác phòng chống thiên tai (PCTT).

Nhiều nguy cơ

Vài năm trở lại đây, nhiều tình huống thiên tai bất thường xuất hiện đã gây ra những hậu quả nặng nề. Chỉ riêng năm 2017, Hải Dương phải đối mặt với nhiều loại hình thời tiết cực đoan và đạt đến cực điểm. Nắng nóng gay gắt kỷ lục, mưa dồn dập hơn mọi năm đã làm xáo trộn hoạt động sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Biến đổi khí hậu đã phá vỡ quy luật thời tiết thông thường, làm thay đổi chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi. Vụ đông xuân ấm khiến vải thiều mất mùa, dưa lê chết hàng loạt. Mưa lớn kéo dài làm ngưng trệ sản xuất, kéo giãn thời vụ khiến dịch bệnh bùng phát, năng suất lúa sụt giảm nghiêm trọng. Bức tranh nông nghiệp năm 2017 là minh chứng rõ nét nhất cho những tác động tiêu cực của thiên tai. Đây cũng là dự báo sản xuất nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong thời gian tới.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, thiên tai còn làm bộc lộ những bất ổn của hệ thống công trình PCTT. Những sự cố về thủy lợi, đê điều liên tiếp phát sinh. Ông Trương Đức Tốn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Kim Thành cho biết: "Thời gian qua, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều sự cố về đê điều, nhất là tình trạng sạt lở bãi sông ngày càng phức tạp. Ngoài 4 trọng điểm đặc biệt nguy hiểm, huyện còn có nhiều vị trí xung yếu có thể gây mất an toàn cho các tuyến đê bất cứ lúc nào. Nếu không có phương án ứng phó phù hợp, kịp thời thì những công trình phục vụ PCTT sẽ là mối nguy lớn gây ra hậu quả khôn lường".

Năm 2018, Hải Dương xác định 17 trọng điểm PCTT về đê điều, 164 điểm xung yếu về thủy lợi cần được bảo vệ. Do tính chất phức tạp của diễn biến thời tiết trong thời gian qua nên những khu vực được cảnh báo nguy cơ về hạn hán, ngập úng, sạt lở đất, lũ quét mở rộng hơn khiến áp lực PCTT càng trở nên nặng nề.

Chủ động ứng phó


Các địa phương đang tích cực kiểm tra, sửa chữa công trình phục vụ phòng chống thiên tai

Thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều sẽ gây ra hậu quả khó lường. Vì vậy việc chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Ông Trịnh Văn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của huyện cho biết: "Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên công tác PCTT luôn được huyện đặt lên hàng đầu. Do không thể dự báo trước hậu quả thiên tai nên huyện luôn chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống theo từng khu vực và mức độ khác nhau. Tất cả các phương án được đề ra trên cơ sở rà soát, đánh giá chất lượng công trình thủy lợi, đê điều. Những tình huống xấu nhất cũng được lên kịch bản cụ thể, chi tiết để không bị động, lúng túng đối phó khi bất ngờ xảy ra. Chỉ khi chủ động trong mọi hoàn cảnh mới có thể làm giảm những tổn thất do thiên tai gây ra".

Theo ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, hệ thống thủy lợi, đê điều ngày một xuống cấp trong khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt đã làm gia tăng áp lực PCTT. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, xem nhẹ công tác PCTT. Mức độ tàn phá của thiên tai là không thể lường trước nên việc PCTT luôn phải được đề cao, không được phép lơ là trong bất cứ tình huống nào. Các địa phương phải bám sát điều kiện thực tế và diễn biến của thời tiết để xây dựng kế hoạch ứng phó theo cấp độ rủi ro. Mọi phương án phòng chống phải thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị nhằm hạn chế tối đa thiệt hại từ thiên tai.

Để làm giảm áp lực PCTT, bên cạnh việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi người. PCTT không phải là nghĩa vụ của riêng tổ chức, cá nhân nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Chỉ khi cộng đồng chung tay thì mới có thể tháo gỡ khó khăn, giải tỏa được áp lực trong PCTT.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực trong phòng chống thiên tai