Xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách đốt, kết hợp phát điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt hiện nay là lời giải "lợi cả đôi đường".
Phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác thải Việt Hồng thuộc Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương
Chôn lấp rác tại các bãi chôn lấp tập trung hoặc đốt trong các lò đốt loại nhỏ đều không phải là giải pháp lâu dài, bền vững đối với hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH). Lựa chọn công nghệ phù hợp xử lý RTSH là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Nhà máy xử lý rác mới hoạt động 40% công suất
Toàn tỉnh hiện có 3 nhà máy xử lý RTSH gồm nhà máy của Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương có công suất thiết kế 250 tấn/ngày đêm, nhà máy của Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương có công suất 200 tấn/ngày đêm và nhà máy của Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc công suất 50 tấn/ngày đêm.
Như vậy, theo thiết kế, 3 nhà máy trên xử lý được 500 tấn RTSH/ngày đêm. Tuy nhiên, thực tế lượng rác tiếp nhận, xử lý của các nhà máy mới đạt khoảng 204 tấn/ngày đêm. Trong đó, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương tiếp nhận, xử lý 185 tấn, Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc 10 tấn và Công ty CP Môi trường APT-Seraphin 9 tấn.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, rác thải được xử lý tại các nhà máy tương đối triệt để, nước thải, khí thải đều đạt quy chuẩn môi trường cho phép trước khi thải ra môi trường. Đối với Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương, rác được tiếp nhận, tập kết trong nhà chứa rác, phun chế phẩm khử mùi Bio Mix-1 nhằm hạn chế mùi hôi. Sau đó, rác được đưa qua dây chuyền tách lọc nhằm phân loại rác làm các loại: phần chất thải hữu cơ đem đi ủ làm phân compost; chất trơ gồm gạch vỡ, block, phế thải xây dựng... được chôn lấp tại khu chôn lấp trong khuôn viên nhà máy và phần rác thải vô cơ xử lý trong lò đốt. Tại Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương, rác được tách lọc thành 3 loại riêng biệt là rác hỗn hợp, nilon và chất thải khó phân huỷ. Rác hỗn hợp chiếm từ 90 - 95% tổng lượng rác sau khi phân loại sẽ được bổ sung thêm chế phẩm sinh học trước khi ủ. Sau khi ủ, rác tiếp tục được phân loại thành mùn và rác hữu cơ không phân huỷ. Rác hữu cơ không phân huỷ được đưa vào lò đốt. Mùn tiếp tục được ủ để làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ. Nilon và kim loại chiếm từ 5 - 7% được chứa tại khu riêng để tái chế. Chất thải khó phân huỷ chiếm từ 3 - 5% được xử lý trong lò đốt. Sản phẩm sau khi xử lý của Công ty CP Môi trường APT-Seraphin gồm 2 loại: mùn hữu cơ sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ, có tác dụng giúp tơi xốp đất, phù hợp với các loại đất chua, bạc màu; tro xỉ được xử lý bằng phương pháp hóa rắn làm nguyên liệu sản xuất gạch block, san lấp mặt bằng.
Hiện tại, ngoài lượng RTSH của TP Hải Dương và một số xã, thị trấn của các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành được vận chuyển, xử lý tại các nhà máy xử lý rác thải tập trung, RTSH của các địa phương khác vẫn được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Các địa phương chưa bố trí được kinh phí cho việc vận chuyển, xử lý RTSH tập trung khiến môi trường ngày càng bị ô nhiễm, trong khi công suất của các nhà máy lại chưa được sử dụng hết.
Lựa chọn công nghệ hiện đại
Nếu các nhà máy xử lý RTSH nêu trên hoạt động hết công suất mới có 55% lượng RTSH trong tỉnh được tiếp nhận, xử lý đúng quy trình. Lượng RTSH chưa được xử lý rất lớn, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân.
Thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều biện pháp để xử lý RTSH nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ việc xây dựng bãi chôn lấp rác thải tập trung ở các xã, thị trấn đến xây nhà máy đốt rác đều đã được triển khai. Đến nay, phần lớn bãi rác ở các xã, thị trấn đều quá tải, trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn mô hình "Nhà máy đốt rác kết hợp phát điện". Đây là phương án rẻ và khá hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo các nước phải chọn được công nghệ hiện đại nhất, phù hợp nhất, tránh tình trạng chính các nhà máy đốt rác lại gây ô nhiễm môi trường khiến người dân phản đối. Ở Nhật Bản, câu chuyện RTSH cách đây 30 năm cũng là vấn đề nhức nhối bởi đa số rác thải được vận chuyển đến các bãi rác và vứt bỏ, chỉ khoảng 5% được tái chế. Sau nhiều năm thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiện chỉ còn 1,2% lượng rác thải được chở đến các bãi rác. Rác chủ yếu được đốt để phát điện. Đa số các nhà máy đốt rác phát điện ở Nhật Bản đều bảo đảm được yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã cấp phép cho một số dự án đốt rác để phát điện như ở Cần Thơ, Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa. Ở Hải Dương, UBND tỉnh đã cho phép xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng). Các cơ quan chức năng đã đánh giá tính khả thi của dự án. Việc lựa chọn vị trí bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định hiện hành. Xây dựng nhà máy xử lý rác thải phát điện với công suất 500 tấn/ngày đêm được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm lượng RTSH chưa được xử lý hiện nay. Dù vậy, một bộ phận người dân ở xã Lương Điền vẫn chưa đồng thuận để xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại địa phương. Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh, huyện Cẩm Giàng, xã Lương Điền cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận xây dựng nhà máy. Bởi xử lý RTSH bằng cách đốt, kết hợp phát điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt hiện nay là lời giải "lợi cả đôi đường".
VỊ THỦY - VŨ ÚY