Hằng tháng, các phóng viên của Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Dương viết khoảng 60 tác phẩm báo chí gồm tin văn bản, tin - ảnh, tin, phóng sự truyền hình tuyên truyền.
Trưởng Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Dương luôn bám sát, phản ánh kịp thời những sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh
Tác nghiệp ở các tỉnh, ngoài say nghiệp viết, các phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) còn phải có tinh thần vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Đủ loại hình
Cuối giờ sáng một ngày trung tuần tháng 6, ở Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Dương, tuy chuẩn bị đến giờ nghỉ trưa nhưng lãnh đạo và một số phóng viên vẫn miệt mài làm việc. Người viết tin, căn chỉnh ảnh, người dựng hình. Ngừng tay khỏi bàn phím máy vi tính, nhà báo Đinh Mạnh Tú, Trưởng Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Dương cho biết: "Sáng nay vừa diễn ra sự kiện lớn của tỉnh nên ngay sau khi kết thúc, bọn mình phải tranh thủ làm ngay. Theo quy định của TTXVN, những sự kiện thời sự diễn ra buổi sáng phải gửi thông tin về trước 12 giờ, buổi chiều gửi trước 19 giờ và tối trước 21 giờ".
Những sự kiện lớn diễn ra có nhiều cơ quan báo chí về tác nghiệp, các anh phải chạy đua với thời gian để có thông tin gửi sớm nhất. Có lần tác nghiệp ở nơi không có internet, anh Tú phải dùng điện thoại di động đọc tin về Trung tâm Kỹ thuật thông tấn để bộ phận kỹ thuật xử lý và chuyển đến các Ban Biên tập. "Trước yêu cầu thông tin phải bảo đảm nhanh, chính xác, đầy đủ, hấp dẫn trong thời kỳ bùng nổ, cạnh tranh thông tin thì đây thực sự là một áp lực với chúng tôi", anh Tú nói.
Áp lực công việc nhiều hơn khi từ năm 2010, TTXVN yêu cầu phóng viên các cơ quan thường trú ngoài làm tin, bài, ảnh cho các Ban Biên tập thông tin nguồn và các đơn vị thông tin xuất bản… thì còn phải làm thêm báo hình cho kênh Truyền hình Thông tấn. "Phóng viên vừa phải viết tin, vừa phải viết lại thành lời bình cho tin, phóng sự truyền hình. Phóng viên thường trú TTXVN còn phải quay phim, đổ hình, dựng hình mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, hầu hết các Đài Truyền hình khác, phóng viên đi quay đều có bộ phận kỹ thuật hỗ trợ trong lúc tác nghiệp và dựng hình sau khi kết thúc công việc", nhà báo Nguyễn Tiến Vĩnh, Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Dương chia sẻ.
Một trong những trở ngại đối với hầu hết phóng viên thường trú là mất nhiều thời gian làm quen với con người, địa bàn. Phóng viên Lê Hương Hiền, Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Dương nhớ lại: "Một lần tôi muốn xuống xã Thống Kênh (Gia Lộc) để tìm hiểu mô hình nuôi thủy sản ở đây nhưng không hiểu thế nào đi một mạch đến phường Sao Đỏ (Chí Linh) mới phát hiện mình sai đường".
Hằng tháng, các phóng viên của Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Dương viết khoảng 60 tác phẩm báo chí gồm tin văn bản, tin - ảnh, tin, phóng sự truyền hình tuyên truyền. Ngoài bám sát các sự kiện thời sự, thông tin nhanh, chính xác, đầy đủ những hoạt động, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, các phóng viên thường trú của TTXVN còn phản ánh nhiều vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm và những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Thời gian gần đây, Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Dương đã có nhiều bài viết phản bác những thông tin sai lệch trên mạng xã hội như khẳng định không có chuyện vải thiều Thanh Hà ế bị vứt bỏ, không có chuyện cảnh sát giao thông đánh người vi phạm...
Dạy con qua điện thoại
Hiện nay, Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Dương có 4 người, gồm Trưởng Cơ quan và 3 phóng viên. Lãnh đạo và phóng viên đều ở các tỉnh, thành phố khác, người gần nhất là TP Hà Nội, người xa nhất ở Nghệ An.
Nếu nhà ở địa bàn công tác thì hết thời gian làm việc, mọi người trở về đoàn tụ cùng gia đình nhưng đối với cán bộ, phóng viên Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Dương đó là một niềm mơ ước. Nhà báo Mạnh Minh chia sẻ: "Nhà tôi ở Nghệ An. Do đường xa cộng với công việc chuyên môn bận rộn nên trong năm, tôi chỉ tranh thủ về nhà thăm bố mẹ và người thân từ 1 - 2 lần. Vào dịp Tết Nguyên đán, tôi cũng muốn về sum vầy cùng gia đình nhưng do yêu cầu của cơ quan, ngày nào cũng phải có phóng viên trực bảo đảm thông tin thời sự nên anh em chia nhau nghỉ. Có năm phải hết mùng 3 Tết tôi mới được về nhà".
Đối với phóng viên thường trú đã kết hôn, có con thì việc chia sẻ công việc gia đình, dạy bảo, chăm sóc con cái lúc ốm đau là điều rất khó khăn. Việc dạy con học, dạy con kỹ năng sống, nền nếp, ý thức nhiều lúc phải thực hiện qua điện thoại.
Đời sống hằng ngày của phóng viên thường trú cũng gặp nhiều vất vả. Hiện nay, trụ sở cơ quan đã xuống cấp, chật chội, 2 phóng viên phải thuê phòng trọ ở ngoài. Do công việc, giờ giấc thất thường nên việc ăn uống, nghỉ ngơi không ổn định.
Bằng tình yêu nghề, trách nhiệm với công việc, những năm qua, những cán bộ, phóng viên thường trú TTXVN tại Hải Dương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương.
DANH TRUNG