Áp lực lạm phát tăng vẫn hiện hữu

01/08/2019 21:58

Ngày 1.8, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2019.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn tác động mạnh đến Việt Nam. Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu trong năm 2019 nên không thể chủ quan, nhất là trong bối cảnh căng thẳng chính trị thế giới, giá dầu thế giới diễn biến khó lường, tác động của việc tăng giá điện, tăng lương cơ bản từ ngày 1.7 có thể sẽ còn tạo áp lực lên lạm phát.

Thủ tướng lưu ý thời tiết nắng nóng, hạn hán lan rộng, dịch bệnh chưa được kiểm soát, nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông giải tỏa tâm lý lạm phát, khả năng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng đến 4% trong năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra.

Thủ tướng nhắc lại tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công như một “điểm yếu hiện nay”, 7 tháng mới đạt khoảng 35% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt khoảng 14%. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó là những thách thức từ thiên tai. Công tác phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng cần được triển khai tích cực hơn…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7

Trong thực hiện các mục tiêu của cả năm, Thủ tướng nhấn mạnh đến quyết tâm hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu  năm 2019. Tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. “Tinh thần là càng khó khăn, ý chí vượt khó, quyết tâm của chúng ta càng cao, không thoái chí. Các cấp các ngành phải chỉ đạo quyết liệt hơn các nhiệm vụ năm 2019 để làm đà cho kế hoạch năm 2020”, Thủ tướng nói.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ môi trường đầu tư kinh doanh. Cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong triển khai các dự án, nhất là dự án mới, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn, khắc phục tâm lý sợ rủi ro sau khi quyết định đầu tư được phê duyệt.

Các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất với Chính phủ, với Thủ tướng các phương án để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của các văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách. Thủ tướng chỉ đạo xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, công nghệ tài chính...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Áp lực lạm phát tăng vẫn hiện hữu