Áp lực khi đường quá tải

16/06/2022 10:00

Nhiều tuyến đường huyết mạch tại Hải Dương đang đối mặt với tình trạng ùn tắc, xuống cấp, gây áp lực lớn cho cả người dân và nhà quản lý.


Quốc lộ 5 qua Hải Dương thường xuyên ùn tắc do lượng phương tiện lớn và đường đã xuống cấp

Hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội khiến cho nhiều tuyến đường tại Hải Dương bị quá tải, gây áp lực lớn cho cả người dân và nhà quản lý.

Ùn tắc, xuống cấp


Là tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thương giữa tỉnh và 2 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng nhưng thời gian gần đây, quốc lộ 5 trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông. Trước đây tuyến đường này từng là niềm tự hào, đánh dấu bước phát triển liên kết vùng, còn hiện tại khi nhắc tới, cánh lái xe đều lắc đầu ngán ngẩm. Quốc lộ 5 đoạn qua Hải Dương dài hơn 44 km, đường dân sinh cắt ngang dày đặc, lại nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu dân cư bám hai bên đường khiến tình trạng quá tải nghiêm trọng thêm. Được biết, lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 5 hiện đạt trung bình gần 60.000 xe con quy đổi/ngày đêm, gấp nhiều lần tiêu chuẩn đường. Anh Nguyễn Đức Văn ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) thường xuyên chở hàng trên quốc lộ này than phiền lưu lượng phương tiện lớn trong khi mỗi bên đường chỉ có 3 làn xe, chỉ cần va chạm nhẹ là có thể gây tắc đường hàng giờ. Do đã khai thác nhiều năm trong khi việc nâng cấp, cải tạo không kịp thời nên mặt đường xấu rất dễ gây tai nạn giao thông. Gần đây, đơn vị thi công đang sửa chữa đường theo từng đoạn tuyến nên ùn tắc xảy ra như cơm bữa. "Biết là di chuyển khó khăn song tôi không còn lựa chọn nào khác. Vì đã quá quen với cảnh nhích từng đoạn hay tắt máy chờ thông xe, tôi phải chuẩn bị sẵn bánh mì, nước uống. Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ rất mệt mỏi", anh Văn cho hay.

Không chỉ quốc lộ 5, các tuyến quốc lộ 37, 38, 38B, 17B, 18 cũng đang có lưu lượng phương tiện vượt nhiều lần thiết kế, không những không đáp ứng được nhu cầu vận tải mà còn là nguyên nhân khiến đường nhanh xuống cấp. Một số tuyến quốc lộ được phân cấp do tỉnh quản lý như quốc lộ 37 có lưu lượng 8.284 xe con quy đổi/ngày đêm, gấp gần 3 lần thiết kế; quốc lộ 38B có lưu lượng 6.221 xe con quy đổi/ngày đêm, gấp hơn 2 lần thiết kế; quốc lộ 17B có lưu lượng 4.891 xe con quy đổi/ngày đêm...

Mạng lưới 21 tuyến đường tỉnh và các trục đường 62 m, đường Bắc-Nam và đường gom ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng chiều dài 458 km, hiện có khoảng 80% tổng chiều dài là đường cấp V. Quy mô và chất lượng đường còn thiếu và yếu, không đủ khả năng phục vụ mật độ phương tiện, chi phí vận tải cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa để thu hút đầu tư. Các phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh cả về số lượng, kích thước tải trọng nên lượng xe thực tế trên nhiều tuyến đường tỉnh đã vượt rất nhiều lần so với lưu lượng thiết kế, nhất là trên các tuyến 390, 391, 392, 389, 389B… Các tuyến đường quá tải đã và đang trở thành gánh nặng cho công tác duy tu, bảo trì đường bộ, gây ra những diễn biến phức tạp về tai nạn giao thông.

Cần hơn 19.000 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp   

Nhiều năm qua, việc đầu tư mở rộng nâng cấp các tuyến đường tỉnh còn khó khăn do nguồn lực đầu tư hạn chế. Với lượng phương tiện vận tải tăng từ 8-10%/năm, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới cấp tỉnh là cấp thiết. Thực tế hiện nay, đường nhỏ hẹp trong khi phương tiện nhiều đã ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông. Để khắc phục, Sở Giao thông vận tải phải thực hiện hạn chế tốc độ qua khu dân cư đông đúc, hạn chế phương tiện lớn vào giờ cao điểm, hạn chế tải trọng qua cầu hẹp, yếu... Tuy nhiên, nếu bảo đảm an toàn giao thông thì lại ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội vì không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển.

Theo Sở Giao thông vận tải, để đầu tư, nâng cấp mạng lưới đường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, cần hơn 19.000 tỷ đồng bằng vốn Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện. Trong đó cần nâng cấp, mở rộng hơn 295/458 km đường tỉnh (chiếm 64,5%) và xây dựng các tuyến mới kết nối vùng với các tỉnh lân cận, các tuyến trục kết nối trong tỉnh vừa làm giảm áp lực giao thông vừa tạo điều kiện phát triển quỹ đất hai bên. Ông Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết bên cạnh nâng cấp, mở rộng các tuyến đường cũ, thời gian tới tỉnh có kế hoạch xây dựng các tuyến đường mới, thúc đẩy liên thông ngoại vùng. Từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh trong hội nhập phát triển. Mặt khác, tỉnh cũng quan tâm khai thác các loại hình giao thông khác để giảm áp lực giao thông đường bộ. Còn các tuyến quốc lộ qua địa bàn, sở sẽ tích cực phối hợp rà soát, đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp và bảo đảm an toàn giao thông.

PV

(0) Bình luận
Áp lực khi đường quá tải