Áp lực do học sinh lớp 1 tăng cao

08/09/2017 06:16

Số học sinh lớp 1 tăng nhanh không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng phòng học mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của nhiều trường.



Do thiếu phòng học, Trường Tiểu học Lương Điền (Cẩm Giàng) phải đi thuê, mượn 17 phòng học

Tăng đột biến

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học mới 2017 - 2018, toàn tỉnh có 34.445 học sinh vào lớp1, với 1.135 lớp, tăng 3.465 em và 97lớp so với năm học trước. Một số địa phương có số lượng học sinh tăng mạnh là huyện Cẩm Giàng (876 học sinh), thị xã Chí Linh (khoảng 700), Ninh Giang (400)...

Xã Lương Điền (Cẩm Giàng) là một trong những địa phương có tốc độ tăng dân số nhanh của huyện. Năm học 2017 - 2018, nhà trường có tổng số 1.145 em, với 36 lớp. Trong đó có 286 học sinh vào lớp 1, với 9 lớp, tăng 100 em và 3 lớp so với năm học trước. Tuy số lượng học sinh tăng không nhiều như xã Lương Điền nhưng đã mấy năm nay, mỗi năm Trường Tiểu học Cộng Hòa (Chí Linh) đều tăng một lớp1. Năm học 2017 - 2018, trường đón 320 học sinh lớp 1, tăng 46em và tăng thêm một lớp so với năm học 2016 - 2017.

Số lượng học sinh vào lớp1 của tỉnh ta tăng mạnh trong khoảng 5 năm lại đây. Một phần do nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sinh từ 3 con trở lên. Đồng thời, nhiều gia đình vẫn còn tâm lý "trọng nam khinh nữ" nên dù có 2 con gái vẫn tiếp tục sinh thêm để mong có con trai. Một số địa phương có thêm các khu, cụm công nghiệp nên người dân ở tỉnh ngoài về làm việc, sinh sống ngày càng lớn. Người lao động chủ yếu đang ở độ tuổi kết hôn, sinh đẻ dẫn đến gia tăng dân số nhanh. Không ít gia đình chọn sinh con theo năm tuổi nên những năm được xem là tuổi đẹp số dân sẽ tăng đột biến.

Bà Hoàng Thị Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Số học sinh lớp 1 năm học 2017 - 2018 tăng mạnh nhưng không thể bằng năm học tới. Theo thống kê chưa đầy đủ, trẻ sinh năm2012 (năm Nhâm Thìn, được người dân cho là tuổi rất đẹp) sẽ vào học lớp 1 năm học 2018 - 2019 là hơn 42.000 em, tăng gần7.600em so với năm học 2017 - 2018. Đây sẽ là gánh nặng trường lớp cho các địa phương".    

Nguy cơ mất chuẩn


Học sinh đầu vào cấp 1 tăng mạnh và bất thường khiến nhiều địa phương trở tay không kịp. Nhiều nhà trường phải học nhờ, học tạm và đứng trước nguy cơ mất chuẩn quốc gia.

Mỗi khi bước vào năm học mới, cùng với niềm vui đón con em địa phương tựu trường, lãnh đạo xã Lương Điền và Ban giám hiệu trường tiểu học của địa phương lại phải "đau đầu" lo bố trí phòng học. Trường Tiểu học Lương Điền có 22 phòng học. Từ năm học 2012 - 2013, học sinh đầu vào bắt đầu tăng nhanh cũng là thời điểm nhà trường rơi vào tình trạng không đủ phòng cho học sinh, phải đi thuê, đi mượn. Năm học này, nhà trường thiếu tới 17 phòng học trong tổng số 36 lớp (tăng 3 lớp so với năm học trước). Dãy nhà cấp bốn có 6 phòng học vừa được phá đi để xây khu nhà học mới nên thiếu lại càng thiếu. Để có đủ phòng cho học sinh vào năm học mới, nhà trường đành phải mượn trụ sở xã, nhà văn hóa, đình làng, các trường THCS, mầm non, thậm chí thuê cả địa điểm của doanh nghiệp, nhà dân. Trường Tiểu học Lương Điền đạt chuẩn quốc gia năm 2007, được công nhận lại năm 2013 và sẽ kiểm tra công nhận lại vào năm 2018. Với tình trạng phòng học, phòng chuyên môn, phòng chức năng thiếu trầm trọng như hiện nay, nguy cơ trường bị mất chuẩn rất cao.

Đối với những trường chưa đạt chuẩn thì việc số học sinh tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất không đáp ứng kịp càng khiến ước mơ đạt chuẩn trở nên xa vời. Cô giáo Đoàn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyên Giáp A (xã Nguyên Giáp, Tứ Kỳ) chia sẻ: "Nhiều năm nay, nhà trường phấn đấu xây dựng trường chuẩn nhưng mãi không được do số học sinh liên tục tăng, thiếu phòng học. Hiện nay, trường chỉ còn phòng Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, còn các phòng hội đồng, phòng chuyên môn, phòng chức năng, thư viện, đồ dùng đều đã phải chuyển sang làm phòng học. Năm học 2018 - 2019, trường sẽ lại tăng thêm một lớp 1. Để đủ phòng học chắc phải lấy nốt phòng của ban giám hiệu".

Thiếu phòng học, phải đi thuê mượn... nên chất lượng giáo dục của các nhà trường bị ảnh hưởng không ít. Do không phải thiết kế làm phòng học nên các phòng học tạm, học nhờ không đủ diện tích, ánh sáng, chật chội, nóng bức, thiếu sân chơi. Học ở các điểm này, học sinh chịu nhiều thiệt thòi so với học ở điểm trường trung tâm. "Do điều kiện cơ sở vật chất ở các điểm lẻ hạn chế nên giáo viên khó có thể đổi mới được phương pháp giảng dạy cũng như sử dụng đồ dùng, áp dụng công nghệ thông tin. Học sinh ở đây ít được tham gia các hoạt động tập thể, giáo dục ngoài giờ, vui chơi, giải trí, thậm chí còn mất an toàn. Công tác giáo dục nền nếp, ý thức, kỹ năng sống cho học sinh cũng bị hạn chế", cô giáo Hoàng Thị Kim Liên, Trường Tiểu học Lương Điền nói. Không chỉ ảnh hưởng đến học sinh, ban giám hiệu, giáo viên cũng vất vả, khó khăn hơn trong công tác quản lý, điều hành, giảng dạy. Giáo viên ít có thời gian trao đổi, học hỏi đồng nghiệp để kịp thời cập nhật những nội dung, phương pháp, kỹ năng dạy học mới.

"Để sớm khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc bố trí kinh phí xây dựng trường lớp cho các địa phương, nhất là những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Các địa phương cần làm tốt công tác dự đoán, dự báo số trẻ tăng trên địa bàn để chuẩn bị trường lớp hợp lý. Những địa phương hiện nay đang rơi vào tình trạng quá tải cần khẩn trương tách trường để bảo đảm yêu cầu giáo dục", bà Hoàng Thị Hưng đề nghị.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Áp lực do học sinh lớp 1 tăng cao