Áp lực chạy thận nhân tạo

22/03/2023 18:09

Thiếu máy móc, bệnh nhân chạy thận ngày một tăng khiến các nhân viên y tế phải làm việc rất vất vả, gần như không có ngày nghỉ, kể cả những dịp lễ, Tết.


Độ tuổi mắc bệnh thận mạn tính ngày càng trẻ. Trong ảnh: Hơn 8 năm trước, anh Đ.B.H. 33 tuổi, ở TP Hải Dương đã phải chạy thận nhân tạo 

Nhu cầu chạy thận của bệnh nhân ngày càng cao trong khi máy móc còn thiếu khiến công việc của các nhân viên y tế rất áp lực, vất vả.

Quá tải

Tình trạng quá tải tại Khoa Thận - Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã diễn ra từ nhiều năm nay khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng trong khi máy móc có hạn. Toàn khoa hiện chỉ có 40 máy trong khi phải lọc máu chu kỳ (cố định) cho gần 210 bệnh nhân. Giường bệnh của khoa gần như luôn trong tình trạng không còn chỗ trống. Tuy nhiên, khoa này lúc nào cũng phải chừa lại khoảng 10-15 máy để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu trong các tình huống nguy kịch… Đó còn chưa kể những bệnh nhân thuộc diện lọc máu chu kỳ mắc các bệnh mạn tính khác phải điều trị nội trú vẫn có thể phải chạy thận bất cứ lúc nào. “Đã có một số lần xảy ra tình trạng bệnh nhân cấp cứu vào nhưng khoa hết máy. Trong tình thế ấy, cứu sống người nguy kịch là ưu tiên số một nên chúng tôi buộc phải vận động những bệnh nhân chạy thận chu kỳ đã ổn định tạm thời nhường chỗ để phục vụ công tác cấp cứu”, bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Trưởng Khoa Thận - Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết.

Máy móc thiếu, bệnh nhân ngày một tăng khiến các nhân viên của khoa trên phải làm việc 3 ca/ngày. Nhiều hôm có nhiều bệnh nhân cấp cứu hoặc chuyển từ tuyến trên về, từ tuyến dưới lên thì phải làm 4 ca. Ca chạy thận đầu tiên trong ngày sẽ bắt đầu từ 6 giờ 45 song thực tế họ phải đến từ 5 giờ để chuẩn bị. Ca 3 kết thúc lúc 19 giờ 30 nhưng nhân viên y tế phải làm việc đến 21 giờ để tẩy trùng máy, xử lý quả lọc, thu gom rác thải y tế, vệ sinh phòng… Máy chạy thận hoạt động gần như liên tục, ít có thời gian nghỉ nên không ít lần bị trục trặc, hỏng hóc.

Với tình hình hiện nay thì Khoa Thận - Thận nhân tạo vẫn cơ bản bảo đảm cho hoạt động chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, các nhân viên y tế phải làm việc rất vất vả, gần như không có ngày nghỉ, kể cả những dịp lễ, Tết. 
Ở Hải Dương, ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn có Bệnh viện Quân y 7 và một số Trung tâm Y tế tuyến huyện như Gia Lộc, Ninh Giang, thị xã Kinh Môn và TP Hải Dương có khoa hoặc đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân ngày càng tăng nên lượng máy móc hiện có ở hầu hết các đơn vị này không đáp ứng được nhu cầu dù đã chạy 3-4 ca/ngày. Rất nhiều bệnh nhân đã phải chuyển tuyến trên hoặc sang các tỉnh lân cận để chạy thận. 

Việc đầu tư thêm máy móc cho các cơ sở y tế đang có khoa hoặc đơn nguyên thận nhân tạo là việc làm cấp thiết. Bên cạnh đó, cũng cần phát triển thêm đơn nguyên này tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện nằm xa trung tâm tỉnh để chia sẻ áp lực với các đơn vị trên. 


Lượng bệnh nhân đông khiến công việc của các nhân viên Khoa Thận - Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất áp lực, vất vả

Chú ý phòng bệnh

Các bác sĩ cho biết bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo ngày một nhiều và có xu hướng trẻ hoá. Không hiếm trường hợp mới 16-20 tuổi đã mắc bệnh này. Những người bị tiểu đường, viêm cầu thận, các bệnh lý về mạch thận, cầu thận, ống thận... có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn tính. Đáng lo là đa số bệnh nhân khi phát hiện mắc bệnh này đều đã ở giai đoạn 5 (giai đoạn cuối) và buộc phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.

Người bệnh khi đã phải chạy thận nhân tạo chu kỳ mà còn mắc thêm các bệnh mạn tính khác thì không chỉ mất đi khả năng lao động mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình. Chị Đ.T.N.L. (36 tuổi, quê Bình Giang) phải chạy thận nhân tạo cách đây 8 năm buồn rầu nói: “Từ bấy đến giờ tôi chẳng làm được gì. Mọi công việc trong nhà từ kiếm tiền đến chăm lo các con đều do một mình chồng gánh vác. Kinh tế gia đình vốn đã eo hẹp nay càng túng bấn hơn. Giá như ngày ấy thấy người có triệu chứng tôi đi khám ngay, không tự mua thuốc điều trị trong một thời gian dài thì đã không phải sống trong cảnh này”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hường khuyến cáo để chủ động phòng tránh các loại bệnh tật nói chung, bệnh thận mạn tính nói riêng, người dân cần đi khám sức khoẻ định kỳ. Phát hiện sớm sẽ giúp công tác chẩn đoán, điều trị bệnh tốt hơn, hạn chế những điều không may có thể xảy ra. Những ai thường xuyên bị mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, sưng phù mặt… có thể đã mắc thận mạn tính, cần đến ngay cơ sở y tế để khám.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Áp lực chạy thận nhân tạo