Áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

27/02/2017 12:09

Các bệnh viện trong tỉnh đã tích cực áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, giúp bệnh nhân tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng...



Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh


Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thời gian qua các bệnh viện trong tỉnh đã tích cực áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, giúp bệnh nhân tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Trước khi cử người đi đào tạo và tiếp nhận các kỹ thuật mới của tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn đã rà soát các danh mục kỹ thuật, ưu tiên những lĩnh vực có ý nghĩa sống còn đối với bệnh nhân như hồi sức cấp cứu, nhi khoa, sản khoa. Năm 2016, bệnh viện đã cử 34 cán bộ, y, bác sĩ tham gia các lớp đào tạo tại các bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh. Hiện nay, bệnh viện đã triển khai, áp dụng kỹ thuật hồi sức cấp cứu cơ bản, gây mê hồi sức cơ bản, gây mê hồi sức nâng cao, đồng thời đang tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cấp cứu tim mạch, gây tê giảm đau khi đẻ, cấp cứu nhi nâng cao… Đơn vị đã thực hiện khoảng 80% danh mục kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế. "Bệnh viện huyện có nhiều thiết bị hiện đại, các y, bác sĩ vững về chuyên môn nên tôi yên tâm cho người nhà điều trị tại đây, không phải chuyển lên tỉnh, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí", anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Long Xuyên có người nhà điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn cho biết.

Khoảng 1 năm trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai áp dụng 11 kỹ thuật mới, trong đó có một số kỹ thuật mang lại hiệu quả cao như điều trị tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não cấp bằng Alteplase, phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn, chụp SPECT chẩn đoán ung thư sớm... Sau khi cử cán bộ của Khoa Thần kinh đi học kỹ thuật tiêu sợi huyết của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đến tháng 3-2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chính thức áp dụng kỹ thuật này. Căn bệnh nhồi máu não cấp thường gây ra những biến chứng nguy hiểm như liệt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trước đây, những bệnh nhân bị nhồi máu não cấp thường phải chuyển lên Trung ương để điều trị thì nay họ có thể yên tâm điều trị ngay tại tỉnh. Bác sĩ Mạc Doanh Thịnh, Phó Trưởng Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: "Chúng tôi có cơ hội thực hành ngay những gì đã học để cứu chữa người bệnh".

Hằng tuần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức giao ban trực tuyến với Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội về nhiều chuyên đề có ý nghĩa thiết thực, giúp nâng cao chất lượng chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị. Năm 2016, bệnh viện đã mua sắm bổ sung trang thiết bị thiết yếu với kinh phí gần 10 tỷ đồng. Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới nên bệnh viện ngày càng được nhân dân tin tưởng. Năm 2016, tổng số lượt bệnh nhân đến khám vượt 53%, số bệnh nhân điều trị nội trú vượt 48% so với kế hoạch.

Cùng với cử người đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng thường xuyên mở các lớp chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Một số bệnh viện tuyến tỉnh khác như Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi cũng tích cực chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Các bệnh viện chú trọng chuyển giao các kỹ thuật thuộc các lĩnh vực chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, sản, nhi, chấn thương và một số chuyên khoa phụ trợ. Hoạt động chuyển giao kỹ thuật cũng được các bệnh viện kiểm tra, giám sát hằng tháng. Theo Sở Y tế, năm 2016, các bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao 71 kỹ thuật cho tuyến dưới. Bên cạnh đó, sau 3 năm thực hiện Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện ở Hải Dương cũng được chuyển giao 102 kỹ thuật mới và đã áp dụng thành công 47 kỹ thuật, phục vụ điều trị, chăm sóc cho gần 17.000 bệnh nhân.

Thời gian tới, các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ tiếp tục tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện Trung ương, đồng thời tăng cường khảo sát các bệnh viện tuyến huyện về nhu cầu ứng dụng kỹ thuật mới trong khám và điều trị. Qua đó, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, chú trọng đào tạo theo hướng "cầm tay chỉ việc" và trực tiếp về cơ sở hỗ trợ.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh