Cách đây 66 năm, ngày 27-9-1946, trên báo Cứu quốc, Bác Hồ đã viết bài “Binh pháp Tôn Tử bàn về kế hư thực”.
Theo Người, “Kế hư thực là một kế rất thần diệu trong tất cả các binh pháp... Muốn đánh được thắng lợi, hành động phải bí mật, đừng để cho quân địch biết mà đề phòng. Trái lại, muốn phòng giữ chắc chắn đừng nên để lộ cơ mưu, hư thực của mình, khiến cho quân địch không biết đánh vào nơi nào, đừng nơi nào. Thi hành đúng kế hư, thực, thắng lợi sẽ cầm chắc trong tay”.
Bác Hồ cho rằng, trong chiến tranh muốn chiến đấu thắng lợi, bao giờ cũng phải chiếm địa vị chủ động. Phải xem xét nơi nào quân địch có thực lực mạnh để tránh và nơi nào quân địch yếu để tiến công, như thế là xem xét tình hình hư thực của bên địch. Biết rõ được thế hư thực của địch, mới có thể bày được mưu kế tiến thoái. Lúc nên tiến sẽ tiến, lúc nên thoái sẽ thoái là giữ được địa vị chủ động.
Trước đó, ngày 17-5-1946, trên báo Cứu quốc bắt đầu đăng tải loạt bài “Binh pháp Tôn Tử” của Bác, ký bút danh là Q.Th. Đây chính là bút danh Người thường ký dưới các bài bàn về quân sự. Trong các bài viết này, Người đã nêu các nguyên lý của Tôn Tử để sáng tạo ra binh pháp. Bác nhấn mạnh đến việc dùng binh phải xem xét 5 điều kiện là: đạo nghĩa, thiên thời, địa lợi, tướng và pháp, để kết luận rằng: “Năm điều nói trên, người làm tướng phải biết rõ. Thế tức là biết mình. Nhưng biết phải cố làm. Làm được thì sẽ có đủ nhân hòa, địa lợi, thiên thời, tướng giỏi, quân nhu đầy đủ để nắm chắc phần thắng trong lúc chiến tranh”.
Các bài viết của Người như: “Phương pháp tác chiến”, “Đặt kế hoạch tác chiến”, “Vấn đề quân nhu và lương thực”, “Phương pháp đánh giữ và tiến thoái”, “Muốn biết người phải thế nào ?”, “Phương pháp dùng gián điệp”... đều là những kế sách sáng tạo, cụ thể, cẩn thận “biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận”. Người đã tổng kết trên cơ sở nghệ thuật dùng binh của Tôn Tử cũng như kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa nghệ thuật quân sự của dân tộc. Những lời dạy của Người về cách dùng binh đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.
QUANG MINH(biên soạn)