Chỉ còn 1,5 tháng nữa các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị và sử dụng cabin điện tử. Nhưng hiện các trung tâm đào tạo lái xe ô tô đều đang loay hoay chưa biết phải lựa chọn đơn vị cung cấp nào, cùng với đó là nỗi lo kinh phí...
Theo Thông tư 04/2022/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 1.1.2023, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị và sử dụng cabin điện tử. Như vậy, các trung tâm đào tạo lái xe chỉ còn 1,5 tháng nữa để triển khai. Dù thời hạn đã rất gần nhưng nhiều trung tâm vẫn chưa thể mua cabin điện tử.
Vẫn đang thực hiện các thủ tục đầu tư
Học viên học mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Kim Thành
Mỗi tháng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch Lái xe Lập Phương Thành (TP Hải Dương) đào tạo từ 700-1.000 học viên. Thực hiện Thông tư 04 của Bộ Giao thông vận tải, đến đầu tháng 11, trung tâm đã chuẩn bị phòng để bố trí học cabin cho học viên. Theo bà Tạ Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch Lái xe Lập Phương Thành, hiện trung tâm gặp rất nhiều khó khăn về nguồn tài chính. Từ năm 2019 đến hết năm 2021, trung tâm gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid kéo dài. Đầu năm 2022, trung tâm cũng đã đầu tư phòng máy tính để học và sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông, lắp đặt trên 150 xe tập lái có thiết bị giám sát dữ liệu học trên đường của học viên. Việc phải đầu tư để mua sắm cabin điện tử gây áp lực lớn về tài chính đối với trung tâm, bởi mỗi cabin điện tử có giá từ 400-500 triệu đồng. Để thực hiện dạy và học cho các học viên, trung tâm phải đầu tư nhiều cabin, số tiền đầu tư cabin điện tử rất lớn.
Ông Phạm Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Kim Thành (Kim Thành) cho biết hiện đơn vị đã nhận được một số lời chào bán cabin điện tử của một số đơn vị. Tuy nhiên, trung tâm cũng rất băn khoăn về năng lực của đơn vị cung cấp thiết bị cabin điện tử và cũng chưa biết phải lựa chọn đơn vị nào. Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quy chuẩn cabin điện tử nhưng chưa có nhà cung cấp được công nhận có sản phẩm hợp quy. Hiện tại cũng chưa có đánh giá cụ thể nào về hiệu quả của việc sử dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe hoặc có đánh giá so sánh giữa học viên đã học cabin điện tử và học viên không học cabin điện tử…
Theo chương trình đạo tạo mới, học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành làm quen với các loại địa hình và phải có đủ thời gian thực hành trên cabin điện tử cùng số km thực hành trên đường mới được thi sát hạch lái xe. Những quy định theo Thông tư số 04 của Bộ Giao thông vận tải nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng và phản xạ cho ngưởi học với các địa hình, cung đường, thời tiết, tình huống giao thông khác nhau.
Toàn tỉnh hiện có 5 trung tâm đào tạo lái xe ô tô, các trung tâm vẫn đang thực hiện các thủ tục để đầu tư mua sắm cabin điện tử. Đa số đều cho rằng việc triển khai lắp đặt cabin điện tử gặp khó khăn vi chi phí cao và chưa có đơn vị cung ứng cabin điện tử hợp quy.
Lộ trình gấp gáp
Mặc dù Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất lùi thời gian đào tạo học viên trên cabin điện tử nhưng Bộ Giao thông vận tải vẫn giữ lộ trình đào tạo này từ ngày 1.1.2023, bởi trước đó Thông tư 04 đã cho lùi thời gian trang bị và sử dụng cabin điện tử đến trước ngày 31.12.2022 thay vì phải áp dụng từ 1.7.2022.
Học thực hành lái xe tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Lập Phương Thành
Có ý kiến cho rằng với quy định từ ngày 1.1.2023, các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe sẽ phải trang bị thiết bị cabin điện tử phục vụ học lái xe ô tô rất gấp gáp và khó có thể kịp tiến độ. Bởi theo quy trình sẽ có đơn vị thử nghiệm cabin điện tử học lái xe ô tô, các nhà sản xuất thiết bị sẽ đưa thiết bị đi thử nghiệm trước. Sau đó các doanh nghiệp sản xuất cabin điện tử đưa sản phẩm đến đơn vị Bộ Giao thông vận tải chỉ định thử nghiệm để được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn. Tiếp theo, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ công bố doanh nghiệp có sản phẩm cabin điện tử hợp quy trên trang web. Cơ sở đào tạo căn cứ vào công bố này để trang bị cabin điện tử. Chưa kể thời gian để các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đặt hàng, đơn vị cung cấp thiết bị sản xuất, lắp đặt… thì có lẽ 1,5 tháng nữa là không đủ để thực hiện. Hơn nữa, việc này cần thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, tránh độc quyền, tiêu cực.
Còn một băn khoăn khác liên quan đến áp dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe: đó là việc tránh lãng phí trong việc đầu tư cabin điện tử đại trà. Khi triển khai cần căn cứ vào tình hình thực tế của từng khu vực để lựa chọn phương án phù hợp, thử nghiệm; có đánh giá một vài khóa học để phân tích rõ những ưu điểm, hạn chế và rút kinh nghiệm. Sau khi đánh giá hiệu quả thực sự rồi mới áp dụng đại trà đến các đơn vị, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Bởi vì, sau khi đầu tư xong, việc triển khai không mang lại kết quả như mong đợi thì thực sự rất lãng phí.
HÀ NGA