Áp chế láng giềng, Đại Hán nghênh ngang trên biển

26/12/2012 18:24

Theo thông báo từ phía Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1-1-2013, cảnh sát tỉnh Hải Nam sẽ tiếp cận các tàu tiến vào khu vực mà Trung Quốc coi là của mình ở Biển Đông.


Tàu hải giám của Trung Quốc thực chất là những tàu được trang bị vũ khí và được huấn luyện bởi hải quân Trung Quốc, chuyên quấy nhiễu vùng biển thuộc chủ quyền của nhiều nước, trong đó có Việt Nam


Họ tự cho phép lên tàu, kiểm soát tàu các nước ngoài "xâm nhập trái phép" và yêu cầu các tàu thay đổi lộ trình.


Hành động trắng trợn


"Các hoạt động như xâm nhập vào vùng biển của tỉnh đảo mà không được phép... và công khai tham gia đe dọa an ninh quốc gia là phi pháp. Nếu các tàu nước ngoài hoặc thủy thủ đoàn vi phạm quy định đưa ra, cảnh sát Hải Nam có quyền tiếp quản tàu hoặc hệ thống thông tin liên lạc trên tàu" - tờ Nhật báo Trung Quốc viết. Động thái ngày một quả quyết thậm chí là lấn lướt gây hấn của Trung Quốc đã làm phức tạp và tăng nhiệt cho một "điểm nóng" của châu Á - nơi có những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới được cho là đảm nhận hơn nửa lượng vận chuyển dầu của toàn cầu.

"Điều này là không thể. Đó là sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi pháp quyền tự do đi lại quốc tế", Tướng Juancho Sabban (Hoan-chô Xáp-ban), chỉ huy lực lượng quân sự miền Tây Philippiines (Phi-líp-pin) tuyên bố. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez (Ra-un Héc-nan-đéc) tuyên bố, nước này sẽ không công nhận bất cứ hành động nào gây phương hại đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng - An ninh thuộc Hạ viện Philippines, tướng Rodolfo Biazon (Rô-đôn-pho Bi-a-dôn), nguyên Tham mưu trưởng quân đội nước này kêu gọi phải có biện pháp đa phương đối với động thái mới nhất này của Trung Quốc. Ông Biazon nói, hành động của Trung Quốc ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của không chỉ các nước trong khu vực mà cả Mỹ và châu Âu, những nước có vận chuyển thương mại ngang qua Biển Đông.

Tổng thống Philippines Aquino (A-ki-nô) yêu cầu Trung Quốc giải thích về hành động mới nhất của họ trên Biển Đông. Ông Aquino giao nhiệm vụ cho Ngoại trưởng Albert del Rosario (An-bớt đen Rô-xa-ri-ô) có “hành động thích hợp” nếu Trung Quốc hành động. Ông Aquino nhận xét rằng, Bắc Kinh khó mà thực thi điều luật đó vì một điều khoản về tự do hàng hải trong Công ước quốc tế về Luật Biển. “Trung Quốc nhiều lần phát biểu chính thức rằng sẽ không có chuyện tự do hàng hải bị cản trở. Giờ đây, chúng ta có thể thấy rằng nhìn trên bề mặt thì hành động này trái ngược với những tuyên bố thường thấy của họ”, Tổng thống Aquino nói.

Tại Hạ viện nước này, các nghị sĩ do Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte Jr (Phe-li-xi-a-nô Ben-mông-tê Gi) dẫn đầu đã kêu gọi các cuộc phản kháng mạnh mẽ hơn và đoàn kết hơn trước kế hoạch của Trung Quốc, bao gồm đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế về Luật Biển và kêu gọi sự ủng hộ của Asean và Liên hợp quốc.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan (Xu-rin Pít-xu-van) nhận định rằng, quyết định chặn xét mọi tàu bè trong khu vực được coi là hải phận của Trung Quốc trên Biển Đông “là sự kiện bước ngoặt”, sẽ làm gia tăng căng thẳng và đây là một diễn biến “rất nghiêm trọng”. Theo lời ông Surin, rất cần có thái độ kiềm chế, cố gắng xử lý vấn đề này một cách tỉnh táo và sẵn sàng lắng nghe những quan ngại của mỗi bên có liên quan.

Tiến sĩ Ely Ratner (Ê-li Rát-nơ), nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ cho rằng, đây biểu hiện cách thức sử dụng lối ngoại giao, kinh tế hoặc quân sự "áp chế" nhằm giành lợi thế trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, điều mới mẻ ở đây là trong các cuộc xung đột khác - kiểu như bãi cạn Scarborough (Xca-bo-râu) hay cái gọi là "TP Tam Sa" hoặc quần đảo Senkaku (Xen-ca-cu) - Trung Quốc biện hộ là phản ứng với sự khiêu khích từ các nước khác. Còn trong trường hợp mới nhất này, họ không tuyên bố đó là một phản ứng. "Nó rõ ràng là sự leo thang và gây mất ổn định. Đó là hành động đơn phương của Trung Quốc và là kiểu ra tay trước mà mọi người luôn luôn lo lắng", ông Ratner nói. Cũng theo chuyên gia này về trung hạn, phản ứng ngoại giao từ khu vực và cả những cường quốc bên ngoài là khá mạnh mẽ bởi nó gắn liền với thực tế rằng, nền kinh tế thế giới phụ thuộc nhiều vào tự do hàng hải, tự do qua lại ở Biển Đông.

Ông Ratner khẳng định, Trung Quốc sẽ không áp dụng cách thức này trong thời gian dài. Đó không phải là một chiến lược có lợi cho Trung Quốc trong dài hạn. Mỗi khi họ làm điều gì tương tự như vậy, điều chúng ta được chứng kiến là sự tăng cường hợp tác của các quốc gia trong khu vực; là yêu cầu gia tăng hiện diện cũng như tham gia các nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong khu vực.


 Hộ chiếu mới của Trung Quốc in “đường lưỡi bò” (trong vòng tròn) phi lý khiến tình hình khu vực càng thêm phức tạp


Sự tăng cường chú tâm của Mỹ với châu Á đã thúc đẩy nhiều nước đứng lên chống lại sự hăm dọa của Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Ratner, các quốc gia trong khu vực và Mỹ có thể nói chung tiếng nói về vấn đề này, có thể cung cấp sự đối trọng ngoại giao ấn tượng cho các hành động của Trung Quốc. Ông Ratner nhấn mạnh, Mỹ sẽ có khả năng tiếp tục đưa những sự cố đụng độ trên biển vào trong quan điểm rộng lớn hơn của mối quan hệ Trung - Mỹ. Câu hỏi thực sự đặt ra là Trung Quốc sẵn sàng đi bao xa - nước này đã vượt qua luật pháp quy định hay thực sự đã sẵn sàng vươn ra biển lớn, bắt đầu bắt giữ các ngư dân hay bất cứ thứ gì đang ở vùng biển quốc tế hoặc ở vùng lãnh thổ tranh chấp nơi họ đánh bắt hay làm việc trong nhiều thế kỷ qua? Trung Quốc giống như con voi trong phòng và là người cuối cùng sẽ quyết định giải quyết vấn đề một cách hòa bình hay không.

Hãng tin Mỹ UPI mới đây cho biết, Washington (Oa-sinh-tơn) sẽ chất vấn Bắc Kinh về vấn đề này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland (Vích-to-ri-a Nu-len) nói: “Biển Đông là một trong những ngõ giao thương đường biển quan trọng nhất thế giới. Đối với Mỹ, tự do lưu thông hàng hải trong khu vực này là vấn đề “quyền lợi quốc gia. Chúng tôi đọc thấy những thông tin báo chí như quý vị. Chúng tôi sẽ đưa ra một vài câu hỏi đối với chính phủ Trung Quốc về việc này một cách thẳng thắn, để có thể hiểu rõ hơn những điều đó”.

Việt Nam quyết giữ bằng được biển đảo

Tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thủ tướng cũng cho biết trong chuyến thăm xưởng đóng tàu Z198 của quân đội vừa qua, ông rất vui mừng và tự hào khi thấy trong điều kiện khó khăn, các lực lượng vẫn kiên trì, đóng được tàu pháo, tàu tên lửa, tàu chở quân, tàu quân y hiện đại, tàu cảnh sát biển công suất lớn… “Cả thế giới biết tháng 5, tháng 6-2013, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có tàu ngầm thế hệ hiện đại nhất, chúng ta không giấu diếm gì. Chúng ta không mong muốn chiến tranh, làm hết sức mình vì hòa bình, nhưng chúng ta phải tự vệ, vì vùng biển của chúng ta rộng cả vạn cây số vuông, bờ biển dài hơn 3.200 cây số, ta phải có lực lượng để bảo vệ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng nhắc đến nhiệm vụ tăng cường đối ngoại để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi hiện nay của quốc tế với lập trường của ta về chủ quyền trên Biển Đông. “Sự đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia, biển đảo là rất phức tạp, Nhà nước tốn nhiều công sức đấu tranh cả về ngoại giao và trên thực địa, nhưng quyết tâm của ta là dồn sức, dồn lực lượng giữ cho được chủ quyền quốc gia trên biển đảo”, Thủ tướng khẳng định.

Trước đó, khi tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang khẳng định, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Đảng và Nhà nước luôn làm mọi cách để bảo vệ chủ quyền độc lập quốc gia. Do vậy, ngoài xây dựng đường lối đối ngoại mềm dẻo và phù hợp, giữ vững hòa bình và ổn định ở khu vực, chúng ta đã và đang hoàn thiện hệ thống luật pháp để xác lập chủ quyền.

"Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển đã khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, song song với việc nâng cao tiềm lực quốc phòng, Việt Nam cũng bảo đảm quyền đánh bắt của ngư dân ta ở các vùng biển truyền thống, xác lập được chủ quyền kinh tế. Việt Nam vẫn tiến hành mời thầu, thăm dò, khảo sát dầu khí. Điều đó chứng tỏ quyết tâm, ý chí của Việt Nam là rất quyết liệt với vấn đề chủ quyền biển đảo, không bao giờ có tư tưởng bị khuất phục” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

LINH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp chế láng giềng, Đại Hán nghênh ngang trên biển