Ảo mộng văn chương

28/01/2014 20:15




Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Văn miếu Quốc Tử Giám với các hoạt động trưng bày thơ,
 giao lưu thơ... thu hút đông đảo người yêu thơ. Ảnh: TTXVN


Thơ văn đem đến vinh quang lấp lánh cho con người, nhưng cũng biến không ít tâm hồn người thành tù nhân của thứ văn chương dớ dẩn.

Một ông bạn vong niên dẫn người bạn mà ông giới thiệu vui là nhà thơ đồng hương, cũng tầm tuổi tôi, nhưng phong thái và sức vóc vẫn giữ được chất lính đến chơi nhà. Khách văn đến, tôi định khoe mấy bài thơ thế sự rất tâm đắc mà tôi mới chép từ mạng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhưng ông khách tỏ vẻ không hưởng ứng mà bắt ngay vào giới thiệu mấy bài thơ mới của mình. Ông khoe đã có gần nghìn bài thơ, có ngày cao hứng làm tới bốn năm bài! Tôi thầm nghĩ: Lại một lão... cuồng thơ! Được giới thiệu ông quê Hưng Yên nhưng đang sống ở Hải Dương, lương hưu sĩ quan quân đội, gia đình cũng khấm khá nhờ có nghề nấu rượu. Tôi mời khách uống rượu vang, mấy lần định lái câu chuyện bàn về rượu Trương Xá, rượu Lạc Đạo của Hưng Yên hay rượu Phú Lộc Hải Dương, nhưng ông khách vẫn say sưa vừa đọc vừa diễn giải bình luận. Cho đến gần trưa! Thú thực đã bao nhiêu năm từng va chạm rồi nhưng tôi vẫn kém kiên nhẫn để chịu trận khi phải nghe "bội thực" về thơ...  Ít ngày sau ông được phóng viên của kênh VTV3 về tận nhà quay phim để làm một chương trình giới thiệu tác giả thơ. Kinh phí bỏ ra cho nhà đài và cả cuộc chiêu đãi bạn hữu có mặt hôm đó ông khoe hết hơn hai chục triệu. Lần khác, ông được mời lên tận trường quay của đài ở Hà Nội, cũng trong một chương trình giới thiệu thơ, chi phí hết hơn mười triệu. Tất nhiên đó là tiền "sạch" cùng vợ con đêm ngày hì hục nấu rượu, nuôi lợn. Ấy là chưa kể những lần tham gia in sách "tuyển" thơ. Chính vì là tiền sạch đổ vào cuộc chơi để thỏa mãn niềm đam mê nên tôi vừa khâm phục vừa ái ngại cho ông, tiếc tiền cho vợ con ông.

Lâu nay xuất bản cởi mở, xuất hiện một số người có thể tâm huyết với thơ thích giao lưu nhưng cũng có thể tính toán "làm ăn" nên rất nhiệt tình đến với các câu lạc bộ thơ và sáng tạo một "chiêu" làm ăn mới? Ông V., một nhân vật có thể gọi là "quái" thơ, bao hàm cả nghĩa "quái kiệt" vì ông thực sự là một tài năng. Ông bỏ nhà cửa đàng hoàng, gia đình êm ấm ở Hà Nội về ẩn dật tại thị trấn Thổ Hoàng (Ân Thi, Hưng Yên). Một thời gian đã mở hiệu ảnh ở đây, cùng thời khởi nghiệp với nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm danh tiếng bây giờ. Ông tá túc trong một ngôi nhà bên đường đúng nghĩa phải gọi là cái lều mà ai đến cũng phải ngạc nhiên về sự tạm bợ và nhem nhếch so với nhà cửa phố xá xung quanh. Người ta thường thấy ông V. đầu trần, quần áo lôi thôi ngồi trên một cái xe máy cọc cạch đi đây đó giao lưu. Xe máy hết xăng thì ông cười khà hỏi xin tiền bất kể người quen thân sơ, cũng như tiện thể thì cơm rượu. Còn ông đọc thơ, đãi thơ cũng có thể gọi là "có đi có lại". Một năm vào Ngày thơ Việt Nam rằm Nguyên Tiêu ở Văn miếu Quốc Tử Giám, tôi thấy một người đựng thơ trong rổ, bày các bản phô-tô thơ lên cỏ, lên mẹt để trưng và bán. Sau tôi mới biết là nhà thơ V. Ông đã có hẳn một tập thơ do Nhà xuất bản Quân đội xuất bản, báo chí giới thiệu bình luận về thơ ông, về cá tính khác biệt của tác giả cũng tới dăm bảy bài. Tôi cũng chỉ được đọc một số thơ của ông V. do các nhà phê bình trích dẫn và mấy bài thơ qua bản phô-tô. Nhất là thơ lục bát, có những câu hay đột xuất, rất tài hoa cá tính, ngang tầm với thơ Đồng Đức Bốn. Ông sống lập dị, lạc lõng giữa lối sống văn minh vật chất của xã hội và gia đình nhưng thơ, nhất là thơ tình thì lại rất hồn nhiên và hóm hỉnh. Phải chăng đó là sự hy sinh vô tư quên mình tất cả cho thơ, sự trả giá cho sự độc đáo khác biệt của thơ?

Xem ra cái sự hứng chí điên rồ, mê muội khác thường ấy nhiều hơn là ở những người làm thơ. Còn viết văn xuôi nó gắn với cấu trúc xây dựng bố cục, hình tượng nhân vật phải cần mẫn hì hục cày cuốc trên từng trang chữ, buộc người viết phải điềm tĩnh, tốn sức tốn thời gian hơn. Ông bạn tôi có nhiều tác phẩm nổi nang cả thơ và văn xuôi. Hồi ông còn trẻ và làm Chủ tịch Hội Văn nghệ một tỉnh, bạn bè thơ phú đến chơi hằng ngày. Bà vợ ngồi tiếp khách và hóng chuyện thế nào cũng nổi máu làm thơ. Một số bài in báo được khen ngợi. Tôi hỏi: "Thơ của bà vợ có bao nhiêu phần trăm của ông chồng?”. Ông lắc đầu ngán ngẩm: “Tao thề tuyệt đối không! Tao đã bảo mấy cậu biên tập thương tao thì dẹp cái trò rửng mỡ của bà ấy đi cho tao nhờ. Thời buổi này, nhà có một người làm thơ cũng đã chết dở rồi!".

Lời của người xưa quả không sai: Cơm áo không đùa với khách thơ. Tôi cũng một hồi từng ôm mộng văn chương to như con nhện ôm trứng. Đến khi bỏ nghề dạy học đi viết báo, được học lớp bồi dưỡng viết văn rồi dự trại viết dài ngày của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá (Hà Nội) mới "ngộ" ra ít nhiều. Chủ yếu là do được quan sát, tiếp xúc trực tiếp với các nhà văn, hiểu biết hơn về đời sống và thân phận các bác, các anh chị ấy, không như tưởng tượng do bị mê hoặc bởi vầng hào quang từ tác phẩm đã đọc và những lời bình giảng của các thầy giáo, của các nhà lý luận phê bình tán tụng!

 "Thành nhà thơ phải có năng khiếu, tài năng, phải lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt. Bất tài mù quáng theo đuổi sẽ vỡ mộng, rồi sẽ thành kẻ dở ông dở thằng, khổ vợ
khổ con. Xã hội cần nhiều những nhà khoa học, những người làm kinh tế hơn là nhiều người làm thơ…”

Nhà thơ XUÂN DIỆU

Xin được kể đôi điều. Hồi học lớp viết văn khóa 5 ở Quảng Bá, nhà văn Nguyên Hồng không làm Hiệu trưởng nữa nhưng ông vẫn nhiều khi về ở một gian trong dãy nhà phía giáp hồ. Sau mấy buổi lên lớp về kinh nghiệm viết tiểu thuyết, ông cụ rải bản thảo của bộ tiểu thuyết Sóng Gầm phủ kín hầu như khắp các dãy bàn của lớp học, chặn lên những mảnh gạch, hòn đá còn lấm đất cát. Những trang bản thảo chữ to hơn bình thường, viết bằng mực tím rõ ràng, đặc biệt là đều được viết trên các hóa đơn, chứng từ đủ cỡ, hầu như không có trang nào là giấy trắng. Phải tồn tại và viết lách trong cuộc sống vất vưởng nghèo khổ từ thuở niên thiếu rồi qua thời gian dài chiến tranh và kinh tế bao cấp, thiếu thốn tằn tiện từ mảnh giấy, lọ mực đã thành thói quen khó thay đổi, hoặc ông không muốn thay đổi. Nếu "phải" viết trên giấy trắng sạch chắc ông cảm thấy xa lạ như là chữ của người khác nó làm giảm cảm hứng viết, làm mất đi cái sự xô bồ, hơi thở, nhịp đập quen thuộc của cuộc sống? Lần sau đi trại viết tôi tình cờ được bố trí ngủ trong phòng có chiếc giường hộp mà trước đó nhà văn Nguyên Hồng hoặc con trai ông đã ở. Tôi thấy trong hộp giường có nhiều giấy má, cả phong bì và thư của bà vợ ông gửi cho con trai. Trong thư bà kể chuyện nhà vừa chết mất con lợn nái, nó vốn đẻ ngoan, giống tốt. Nhưng may mắn vớt vát còn làm thịt bán được ít tiền từ thịt, xương và cỗ lòng. Bà kể tỉ mỉ giá từng thứ, giống như câu chuyện của gia đình tôi, khiến tôi se sắt. Sau này có dịp lên thăm nhà ông ở khu đồi Cháy (Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang). Chị con dâu ông dẫn ra kể nơi ông đã đột ngột gục xuống mất khi đắp sửa cái tường  chuồng lợn, sau hôm đi Quảng Ninh chấm giải Hạ Long về. Nên nhớ rằng ông là nhà văn có mặt từ khi thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc. Ông sống chính trực và tự trọng. Vào thời kỳ có chuyện Nhân văn - Giai phẩm, ông bất ưng đã bỏ Hà Nội, bỏ cả tem phiếu sổ gạo đưa cả gia đình vợ con trở lại Nhã Nam sinh sống. Một lần ông khoe với chúng tôi cái thiếp chúc Tết của Chủ tịch Trường Chinh. Ông chỉ cho thấy chữ viết ngoài phong bì do chính tay ông Trường Chinh viết, chứ không dùng phong bì và thư viết sẵn như quan chức khác. Ông bảo năm nào cũng vậy…

Khác với nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Xuân Diệu thi sĩ của một thời "… ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây". Ông truyền cho chúng tôi cảm xúc nồng nàn với thơ và kiến thức uyên bác của một nhà văn hóa. Tôi thấy ngạc nhiên một lần nghe ông thẳng thắn nói như tuyên bố: Tôi không khuyến khích động viên ai theo đuổi nghề thơ cả. Thành nhà thơ phải có năng khiếu, tài năng, phải lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt. Bất tài mù quáng theo đuổi sẽ vỡ mộng, rồi sẽ thành kẻ dở ông dở thằng, khổ vợ khổ con. Xã hội cần nhiều những nhà khoa học, những người làm kinh tế hơn là nhiều người làm thơ…

Khác với thế hệ chúng tôi, thế hệ trẻ ngày nay cuộc sống đã mở ra nhiều con đường để họ lựa chọn bước vào đời học hành và lập nghiệp. Cho nên tình trạng Hội Văn nghệ ở địa phương có nhiều hội viên lớn tuổi là do "tồn tại" từ giai đoạn lịch sử trước và có ít hội viên trẻ, nhìn về mặt tiến bộ xã hội, điều đó nên vui hơn buồn. Tuy vậy, tôi vẫn lấy làm tiếc một số người có tài năng và triển vọng đã không chuyên tâm theo đuổi nghiệp văn...

NGUYỄN PHÚC LAI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ảo mộng văn chương