Văn hóa - Giải trí

"Ánh trăng nói hộ lòng tôi" - kiệt tác suýt bị ném thùng rác

Theo VnExpress 16/09/2023 16:00

"Ánh trăng nói hộ lòng tôi" - bản nhạc Hoa kinh điển - ra đời từ nỗi cô đơn của nhạc sĩ, từng bị ông tự nhận là dở tệ.

50 năm kể từ khi ra đời, bài hát vẫn giữ vị trí một trong ca khúc tiếng Hoa được biết đến nhiều nhất thế giới. Tác giả phần nhạc, Ông Thanh Khê, đã qua đời còn người viết lời - Tôn Nghi - năm nay 95 tuổi, sống cùng gia đình ở Đài Loan. Trên Xinmin Evening News, nghệ sĩ nói ông và Ông Thanh Khê là đồng nghiệp, bạn bè lâu năm. Đầu thập niên 1970, Thanh Khê nghỉ việc trong đài truyền hình ở Đài Loan để sang Mỹ học chuyên sâu về âm nhạc. Năm 1973, ông trở về, mang theo những bản nhạc, nhờ Tôn Nghi điền lời.

Tôn Nghi nhớ lại lần đến nhà Ông Thanh Khê bàn công việc. Thấy trên bàn có tờ giấy, Tôn Nghi hỏi là gì, nhạc sĩ đáp: "Cái đó dở, không dùng đến, tôi định vứt đi".

Tôn Nghi cầm lên xem, đó chính là giai điệu Ánh trăng nói hộ lòng tôi. Ông xao xuyến vì bản nhạc, mang về viết lời. Tôn Nghi cười nói: "Tôi đã cứu giai điệu này trước khi nó bị vứt, mà chỉ mất không đầy một giờ để viết lời".

Ca từ của Tôn Nghi đơn giản, mộc mạc: "Em hỏi ta em yêu bao nhiêu, ta yêu em sâu nặng chừng nào. Ta yêu em chân thành, thương em cũng chân thành, có ánh trăng nói hộ lòng ta.

Em hỏi ta em yêu bao nhiêu, ta yêu em sâu nặng chừng nào. Ta không thay lòng, không đổi dạ, có ánh trăng nói hộ lòng ta. Một nụ hôn thoáng qua, làm trái tim rung động. Một mối tình sâu nặng, làm ta nhung nhớ đến bây giờ".

Ca khúc được nhận xét an hòa, dịu nhẹ và tinh tế. Nghệ sĩ cho biết ông lớn lên ở Thiên Tân, Trung Quốc, rời quê hương năm 19 tuổi. Lời bài hát một phần là hồi ức của ông về những rung động đầu đời của chàng thanh niên, với câu: "Nụ hôn thoáng qua mà làm ta nhung nhớ đến bây giờ". Lúc kể điều này, Tôn Nghi xua tay, vẻ ngượng nghịu, ông nói: "Thôi đừng nhắc chuyện này nữa".

Theo hồi ức của Tôn Nghi, giai điệu ra đời từ sự cô độc của Ông Thanh Khê khi một mình trên đất khách. Bấy giờ, nhạc sĩ không thạo đường xá ở Boston, Mỹ, cũng không mạnh dạn giao tiếp. Những ngày nghỉ, mọi người đi chơi còn Ông Thanh Khê một mình. Cảm thấy trống vắng, nhạc sĩ thường ra công viên ngồi nhìn lá rơi, ngắm bờ hồ, những đôi tình nhân bên nhau.

Bài hát gắn liền tên tuổi Đặng Lệ Quân (1953-1995). Ảnh: The Paper

Bài hát gắn liền tên tuổi Đặng Lệ Quân (1953-1995)

Sau khi hoàn thành ca khúc, Tôn Nghi và Ông Thanh Khê mang bản thảo tới hãng thu âm Lệ Ca, ban đầu các ca sĩ Trần Phân Lan và Lưu Quán Lâm hát nhưng không mấy nổi tiếng. Một năm sau, hai ca sĩ nổi tiếng khác thu âm bài hát song cũng không gây tiếng vang. Tới năm 1977, Đặng Lệ Quân thể hiện lại bài hát, dù không phải ca khúc chủ đạo trong album, tác phẩm gây sốt và trở thành ca khúc người người nhà nhà biết đến trong cộng đồng Hoa ngữ.

Tuy vậy, đây không phải tác phẩm mà Tôn Nghi hài lòng nhất trong số những ca khúc của ông. Nghệ sĩ nói: "Có lẽ chất giọng uyển chuyển và trong trẻo của Đặng Lệ Quân mới làm người nghe cảm nhận được vẻ đẹp, tâm hồn của trăng".

50 năm qua, bài hát được hàng trăm nghệ sĩ thể hiện, như Trương Quốc Vinh, Lưu Đức Hoa, Carl Doy, Bon Jovi, Hong Jin Young, Kim Ryeo Wook (Super Junior), Yoona. Tác phẩm thường được trình diễn ở các chương trình về tình yêu, Trung thu, năm mới. Theo trang LTN, chỉ riêng bài hát này, Ông Thanh Khê từng nhận mỗi quý vài nghìn USD phí tác quyền.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Ánh trăng nói hộ lòng tôi" - kiệt tác suýt bị ném thùng rác