Ánh sáng từ những ước mơ

05/08/2015 14:44

Câu nói của Bác đã trở thành động lực, giúp tôi vượt qua bao gian khó để tìm được ánh sáng của cuộc đời...



Nhờ quyết tâm, chị Thịnh đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống


“Tàn nhưng không phế" là câu nói của Bác Hồ khi đến thăm trại thương binh. Nhưng tôi luôn tâm niệm câu nói của Bác dành cho cả những người khuyết tật, trong đó có tôi. Câu nói đó đã trở thành động lực, giúp tôi vượt qua bao gian khó để tìm được ánh sáng của cuộc đời. Đó là những lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Thịnh (38 tuổi), Chủ tịch Hội Người mù huyện Tứ Kỳ.

Giông bão cuộc đời


Không như những đứa trẻ khác, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, chị Thịnh đã không có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Đó là di chứng mà người cha của chị mang về sau cuộc chiến tranh. Những năm tháng tuổi thơ của chị trôi đi trong bóng tối mịt mùng. Chị hình dung ra dáng mẹ gầy gò, đang bón từng thìa cơm cho đứa em cũng bị khiếm thị và thiểu năng trí tuệ. Những hình ảnh mà chị hình dung ấy đã thôi thúc chị phải thực sự cố gắng để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Bởi thế, ngay từ khi mới 8 tuổi, chị đã biết làm việc phụ giúp gia đình như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa...

 Chị Thịnh còn theo lũ bạn cùng trang lứa đi mò cua bắt ốc. Mỗi khi trở về nhà với những chậu đầy cua, ốc đã nhen lên trong chị niềm tin rằng mình cũng có thể làm được những việc như những người bạn cùng trang lứa.

Năm 13 tuổi, chị được gia đình tạo điều kiện cho theo học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Được tiếp cận với chữ nổi Braille, mở rộng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè đã khiến cuộc sống của chị thay đổi. Sau khi tốt nghiệp, chị Thịnh đã có một quyết định táo bạo là đi bán tăm và chổi chít ở Hải Phòng. Ban đầu quyết định của chị bị người thân trong gia đình phản đối. Tuy nhiên, chị đã kiên trì thuyết phục bố mẹ, khẳng định bản thân mình có thể hoàn toàn tự lập. Buổi đầu tiên, khi bán hết hàng, cầm những đồng tiền kiếm được thấm đẫm mồ hôi, công sức, chị đã òa khóc giữa chợ như một đứa trẻ. Có những ngày dãi nắng, dầm mưa đi bộ gần 20 cây số nhưng không bán nổi một món đồ, rồi lúc nhớ nhà đã hun đúc cho chị thêm nghị lực để vượt qua bão giông của cuộc đời. Chị Thịnh bồi hồi nhớ lại: “Những lúc gặp khó khăn, tôi lại nhận được nhiều lời động viên của những người xa lạ, điều đó khiến tôi cảm động và có thêm động lực để viết tiếp ước mơ, hoài bão của mình”. Một năm lặn lội trên những con đường, không quản mưa nắng, tháo bỏ sự tự ti, mặc cảm để hòa mình vào cuộc sống đã giúp chị thêm vững tin rằng chính mình chứ không ai khác sẽ thay đổi được số phận mình.

Đi qua bóng tối


Sau hơn một năm đi bán tăm, chổi chít ở Hải Phòng, năm 1998, chị Thịnh trở về quê hương và tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù (HNM) tỉnh. Năm 1999, chị được tạo điều kiện theo học khóa dạy chữ, dạy nghề đầu tiên của Tỉnh hội. Ngoài ra, chị còn được theo học khóa đào tạo giáo viên do Trung ương HNM Việt Nam tổ chức. Năm 2000, chị Thịnh được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch HNM huyện Tứ Kỳ. Cũng trong thời gian này, chị tham gia dạy khóa 3 tại Trung tâm Phục hồi chức năng, dạy nghề và tạo việc làm cho người mù tỉnh.

Song song với việc dạy học tại trung tâm, chị Thịnh còn vận động hội viên tham gia sinh hoạt. Việc này gặp rất nhiều khó khăn, vì phần lớn những người khiếm thị mang trong mình sự tự ti, mặc cảm, thu mình với thế giới bên ngoài. Không ít gia đình giấu chuyện có người thân bị khiếm thị. Điều đó đã khiến nhiều đêm chị Thịnh trằn trọc tìm cách tháo gỡ. Sau này, chị đã nghĩ ra biện pháp rất hiệu quả là tìm cách tiếp cận những người hàng xóm của người khiếm thị để qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ. Chị cũng nhờ những người hàng xóm đó nhẹ nhàng khuyên nhủ họ tham gia sinh hoạt tại HNM ngay trong những câu chuyện giữa hàng xóm, láng giềng. Sau đó, chị tiếp tục quay lại vận động, có những nhà phải tới 5-6 lần mới thuyết phục được. Vất vả là thế, nhưng chưa bao giờ chị có ý nghĩ bỏ cuộc, vì với chị thuyết phục được một người tham gia sinh hoạt hội là giúp họ bước sang ngã rẽ tươi sáng hơn của cuộc đời.

Chính nhờ những suy nghĩ đó mà sau 8 tháng nhọc nhằn, chị Thịnh cùng với những người khác trong HNM huyện Tứ Kỳ đã vận động được 100 hội viên tham gia sinh hoạt. Chị học thêm lớp bổ túc để nâng cao trình độ. Năm 2002, chị xây dựng gia đình với anh Trần Văn Học cũng cùng cảnh ngộ. Năm 2010, là Chủ tịch HNM huyện Tứ Kỳ, chị Thịnh luôn đau đáu phải có những việc làm cụ thể để quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống hội viên, giúp họ tự khẳng định mình trong cuộc sống. Bởi thế, chị thường xuyên động viên hội viên vượt qua những khó khăn, đưa ra nhiều lời khuyên cho họ trong cuộc sống. Chị luôn lồng ghép những câu chuyện về sự cố gắng, lòng quyết tâm của những hội viên tiêu biểu trong các buổi sinh hoạt hội làm tấm gương, tiếp thêm động lực cho những người khác. Hoạt động dịch vụ, việc làm của HNM huyện cũng được chú trọng. Tổ dịch vụ “Khát vọng ánh sáng” của HNM huyện luôn duy trì hoạt động tốt, tạo điều kiện làm việc cho 3- 5 hội viên làm nghề tẩm quất.

Chị Thịnh vui vẻ nói: "Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người bất hạnh, bởi hạnh phúc ở ngay trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Với tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ là vận động được một hội viên tham gia sinh hoạt, là bờ vai vững chắc của người chồng luôn ủng hộ tôi trong công việc, cùng tôi san sẻ việc nhà, là tiếng nói cười của cậu con trai 12 tuổi".

Cũng chính nhiệt tình, tâm huyết với các hoạt động, phong trào của hội, luôn quan tâm, chăm lo đời sống hội viên nên HNM huyện Tứ Kỳ luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong các phong trào của HNM tỉnh. Năm 2014, chị Thịnh vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương HNM Việt Nam. Nhưng với chị, phần thưởng lớn nhất là được hội viên tin tưởng và từng ngày “thấy” được sự thay đổi tích cực của họ, là tiếng cười trong tổ ấm gia đình…

    HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Ánh sáng từ những ước mơ