Anh Ðỗ mê chăn nuôi

25/08/2015 15:01

Anh Vũ Văn Đỗ, sinh năm 1973 ở thôn Sồi Tó, xã Thái Học (Bình Giang), là một nông dân tiêu biểu cho sự kiên trì và dám nghĩ dám làm.



Hiện nay gia đình anh Đỗ có 56 con trâu, dự kiến cuối năm nay sẽ xuất chuồng, lãi khoảng 200 triệu đồng


Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên anh Đỗ đã ấp ủ ý tưởng phát triển kinh tế gia đình bằng chăn nuôi. Anh từng nhận thầu diện tích bãi sông gần nhà để thả cá nhưng chưa hiệu quả do hồi ấy cá chủ yếu được thả cho lớn tự do chứ chưa chú trọng đến yếu tố khâu chăm sóc theo hướng thâm canh. Cuối năm 2002, đầu năm 2003, xã Thái Học có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đối với những chân ruộng cấy lúa bấp bênh. Nắm bắt thời cơ này, anh bàn với vợ (lúc ấy đang lao động ở nước ngoài) đấu thầu 1,6 mẫu ở khu Chuôm để chăn nuôi. Anh còn dồn hơn một mẫu ruộng của gia đình cộng với hơn hai sào mua thêm thành hơn ba mẫu đầm triều.

Khu Chuôm vốn là một thùng vũng cỏ lăn mọc um tùm. Trong 5 năm đầu, hầu như anh Đỗ chỉ tập trung vào cải tạo vùng này. Anh thuê người vác đất rồi thuê máy xúc quây bờ làm ao nuôi thả cá truyền thống với diện tích mặt nước khoảng 9 sào. Trên bờ, anh xây dựng chuồng trại để nuôi lợn và vịt. Anh nhớ lại: “Những năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm, lại thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, mình chăn nuôi không hiệu quả, bị thua lỗ nhiều. Tiền của vợ ở nước ngoài gửi về cộng với vay thêm của anh em trong 5 năm cũng phải hơn 300 triệu đồng chỉ để bù lỗ và cải tạo, hoàn thiện công trình chăn nuôi như bây giờ”. Thất bại nặng nhất là năm 2010: toàn bộ 3.800 con vịt đẻ và 1.000 con vịt bầu cánh trắng của gia đình anh bị bệnh dịch chết, thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Sang năm sau, anh tiếp tục nuôi 2.000 con vịt thịt thì chết hơn 1.000 con. 1.000 con vịt đẻ mua 80.000 đồng/con, được khoảng hơn 3 tháng, cả đàn bị ốm phải tiêm thuốc kháng sinh khiến chúng bị tiêu buồng trứng nên không đẻ nữa, anh phải bán tháo với giá chỉ 40.000 đồng/con, thiệt hại hàng trăm triệu đồng nữa. Dưới nước, đàn cá cũng bập bõm lúc được ít, lúc hòa vốn nên chẳng ăn thua gì. Nếu như không “mê” chăn nuôi thì chắc hẳn sau những năm đó, anh Đỗ đã nản lòng mà từ bỏ công việc vất vả này. Song, anh vẫn quyết chí tìm hướng đi mới hiệu quả hơn.

Cuối năm 2012, qua nhận định thị trường, vợ chồng anh quyết định nuôi thêm lợn thịt. Anh mua 100 con lợn siêu nạc, sau 4 tháng, đàn lợn cho thu lãi 100 triệu đồng.

Những năm gần đây, nhu cầu nuôi trâu, bò lấy sức kéo hầu như không còn nên số lượng đàn trâu, bò giảm mạnh. Tuy nhiên, đây là loại thực phẩm ngày càng được ưa dùng,  anh Đỗ lại đầu tư vào nuôi trâu. Năm 2013, anh bắt đầu với 40 con thì cuối năm đó cho thu về 200 triệu đồng tiền lãi. Sang năm sau, anh tăng số lượng đàn trâu lên 110 con. Lúc này, anh thuê 4 người chăn thả với mức trả công là 4,5 triệu đồng/người/tháng cộng với bữa ăn trưa. Sau một năm, anh xuất bán 74 con to, thu được 2,1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Anh tiếp tục mua thêm 20 con trâu giống nữa bổ sung vào đàn cũ và duy trì nuôi 56 con trâu này tới cuối năm nay sẽ cho xuất chuồng, dự kiến doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lãi 200 triệu đồng. Bên cạnh con trâu làm chủ lực, anh vẫn nuôi vịt thịt và vịt đẻ với số lượng luôn đạt từ hơn 1.000 đến 3.000 con. Nếu thị trường không có biến động lớn, đàn vịt sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Nhiều năm nay gia đình anh Đỗ đều đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp huyện.

ĐỖ YẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Anh Ðỗ mê chăn nuôi