Giám đốc Tình báo Quốc phòng Anh cho rằng tên lửa hành trình Burevestnik Nga có khả năng bay không nghỉ khắp toàn cầu nhờ động cơ hạt nhân.
Tên lửa Burevestnik bắn thử năm 2018
"Nga đang phát triển nhiều hệ thống vũ khí mới, thách thức giới hạn của khoa học và nhiều hiệp ước quốc tế", tướng Jim Hockenhull, Giám đốc Tình báo Quốc phòng Anh, phát biểu trong cuộc họp báo của liên minh tình báo Ngũ Nhãn hôm 13.9.
Một ví dụ được tướng Hockenhull đưa ra là loại siêu tên lửa hành trình Nga đang phát triển. "Moskva đang thử nghiệm một loại tên lửa dùng động cơ hạt nhân và đạt tốc độ cận âm, cho phép nó vươn đến mọi địa điểm trên thế giới và tung đòn đánh từ những hướng không ngờ tới. Động cơ hạt nhân cho phép nó bay lượn gần như vĩnh viễn", ông nói.
Tướng Hockenhull nhiều khả năng đang đề cập tới tên lửa hành trình dùng động cơ hạt nhân 9M370 Burevestnik của Nga, được NATO định danh SSC-X-9 Skyfall.
Tên lửa Burevestnik sử dụng nguyên lý động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet), trong đó quả đạn nén luồng không khí nhờ tốc độ rất cao trong khi bay, đốt nóng nó bằng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ bên trong và dùng luồng khí nóng này để tạo lực đẩy.
Lò phản ứng hạt nhân cung cấp nguồn năng lượng gần như vô tận cho tên lửa, giúp nó về lý thuyết có thể bay liên tục trên không trung trong nhiều năm nếu các hệ thống dẫn đường và thiết bị điện tử hoạt động ổn định.
Trong quá trình bay, tên lửa liên tục đổi hướng nhằm vòng tránh các hệ thống cảnh báo sớm và phòng không trên biển. Đây được coi là tính năng quan trọng, nhất là khi tên lửa có tầm bắn không giới hạn. Nó có thể bay vòng qua mọi tổ hợp phòng thủ và đánh trúng mục tiêu từ những hướng bất ngờ nhất.
Tướng tình báo Anh cũng nhắc tới những khoản đầu tư lớn của Nga vào công nghệ tàu ngầm và vũ khí dưới lòng biển, trong đó có "phương tiện ngầm đủ sức đưa đầu đạn hạt nhân tới bờ biển đối phương hoặc nhằm vào một nhóm tác chiến tàu sân bay trên biển", dường như ám chỉ siêu ngư lôi Poseidon.
Ngư lôi Poseidon (Thần biển) sử dụng động cơ hạt nhân cỡ nhỏ, giúp nó có tầm hoạt động khoảng 10.000 km, đủ sức vượt qua khu vực Bắc Đại Tây Dương. Đầu đạn hạt nhân của Poseidon có sức công phá tương đương 2 triệu tấn thuốc nổ TNT, có thể tạo ra sóng lớn nhằm phá hủy thành phố duyên hải hoặc căn cứ hải quân đối phương.
"Những siêu vũ khí này sẽ giúp Nga tăng cường khả năng răn đe, đặt Anh và đồng minh vào tầm đe dọa bởi những đòn tấn công trực tiếp bằng vũ khí thông thường hoặc hạt nhân, gây nguy cơ leo thang căng thẳng khi xảy ra khủng hoảng", Hockenhull tuyên bố.
Ông cho rằng quân đội Nga hiện nay không thể đạt quy mô như thời Chiến tranh lạnh nên nước này đã nghiên cứu kỹ để xác định lĩnh vực ưu tiên đầu tư nhằm đặt ra nhiều thử thách nhất cho phương Tây.
Tên lửa Burevestnik và siêu ngư lôi Poseidon là hai trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong thông điệp liên bang hồi tháng 3.2018. Đây là những khí tài được kỳ vọng giúp Moskva duy trì vị thế siêu cường và cân bằng chiến lược với Washington.
Theo VnExpress