Những hình ảnh về làng quê Việt Nam được anh Tuân khắc hoạ sinh động trong hàng trăm chai lọ, đặc biệt, những khuôn mặt thiếu nữ đẹp hút hồn...
Đến thăm ngôi nhà nhỏ ở phố Hoàng Hoa Thám, TP.Hải Dương, rất nhiều người đã trầm trồ, thích thú trước hàng trăm chai lọ có hình dáng, kích thước khác nhau chứa những bức chân dung và hình ảnh làng quê, được làm nên bởi bàn tay tài hoa của anh Lê Công Tuân.
Anh lính say mê hội họa
Cách đây không lâu, một người bạn đã bật mí cho tôi, ở TP. Hải Dương có một người đàn ông có biệt tài vẽ tranh trong chai và trong trứng đà điểu. Tôi lấy làm lạ và không tin cho lắm, bởi vẽ tranh trong chai là phải vẽ ngược giống như viết chữ ngược trong gương mới có thể đọc được... Lời kể của người bạn đã thôi thúc tôi quyết định đi tìm hiểu.
Anh Tuân đang vẽ tranh trong chai |
Sau rất nhiều lần dừng để hỏi thăm, tôi đã tìm được địa chỉ ngõ số 2 - phố Hoàng Hoa Thám, TP. Hải Dương. Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ chỉ rộng 50m² thuộc khu tập thể Nhà máy Xay TP. Hải Dương, anh Lê Công Tuân chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc, Hải Dương) - một vùng quê thuần nông, người dân quanh năm chỉ biết cày sâu cuốc bẫm.
Có năng khiếu hội họa và say mê nó, nên khi đang còn là một cậu học sinh tiểu học, Tuân đã thường xuyên vẽ giúp bạn những bức tranh ngộ nghĩnh. Nhưng anh chính thức bước vào con đường hội hoạ là khi anh làm lính trinh sát thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 2, T288 đóng tại Cao Lanh, Quảng Ninh. Tại đây Lê Công Tuân đã có cơ duyên được gặp gỡ, rồi thành tri kỷ với ông tiểu đoàn phó người Thái Bình cũng mê vẽ không kém anh.
“Tôi còn nhớ, mỗi khi đến phiên trực chốt của 2 anh em, là cả 2 lại thi nhau vẽ. Từ cảnh sông nước, phong thủy, con người cho đến vẽ trừu tượng, lập thể... Tiểu đoàn phó như một người thầy, truyền cho tôi rất nhiều kinh nghiệm và vốn sống” - anh Tuân tâm sự.
Lê Công Tuân đã được chọn làm khách mời trong Chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” của VTV3 với tác phẩm “Trâu vàng SEA Games” (năm 2006). Năm 2007 tại cuộc thi sáng tạo toàn quốc, anh được công nhận là người vẽ độc đáo với tác phẩm “Cá vàng”. Tháng 5.2011, kênh VTV6 mời anh tham gia Chương trình “Nối mạng ý tưởng”, anh đã thể hiện chân dung “Thiếu nữ quê” và được công nhận là người có ý tưởng độc đáo…
Niềm say mê hội hoạ ấy càng được nhen lên, khi anh trở thành người chép tranh sau khi giải ngũ. Mặc dù cuộc sống vô cùng vất vả đối với một anh công nhân tại Nhà máy Xay, nhưng “máu” nghệ sĩ luôn chảy trong anh. Ngày đi làm, tối về anh lại cặm cụi vẽ tranh và coi đó là món ăn tinh thần không thể bỏ được.
Duyên “định mệnh” với nghệ thuật vẽ tranh trong chai đến với anh Tuân trong một lần tình cờ anh đọc được mẩu báo nói về một người nước ngoài có lối vẽ này. Anh Tuân cứ ám ảnh và phân vân mãi, cứ tự hỏi: Tại sao lại có thể vẽ tranh được trong chai nhỉ?, Người ta vẽ được tại sao mình không thử?...
Và rồi, để thỏa mãn sự hiếu kỳ, anh Tuân ra chợ tìm mua các dụng cụ về mày mò vẽ. Và phải mất 5 năm, anh mới hoàn thành một tác phẩm ưng ý nhất. Đó là những tác phẩm về con lợn âm dương hoặc đàn chuột như trong tranh Đông Hồ, tranh dân gian và cũng là những tác phẩm thú vị mà mọi người thích và mua nhiều nhất.
Ước mơ được lập kỷ lục
Để vẽ tranh trong chai, việc tạo được những đường nét, hình hài trong một khuôn hình không bằng phẳng như chai lọ thủy tinh đã là một thành công thì làm cách nào để những màu sắc ấy không bị bong tróc, phai nhạt còn là cả một thành công lớn. Mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, thể nghiệm, anh Tuân đã tìm ra được cách trộn màu rất đặc biệt.
Đó là sự kết hợp giữa sơn màu với một loại keo có độ kết dính vừa phải, từ đó sơn có thể chịu được nhiệt độ của bóng đèn điện, vừa có thể chịu được nhiệt độ của nước mà không bị phai hay chảy màu.
Ngoài việc phối màu thì dụng cụ vẽ tranh trong chai cũng đòi hỏi có sự biến tấu và sáng tạo riêng. Để có thể vẽ được nhiều hình dạng trong nhiều loại chai khác nhau, anh Tuân phải thử nghiệm với hơn 100 loại bút vẽ khác nhau. Cuối cùng, anh chế ra loại bút vẽ bằng nhựa dẻo, vừa đơn giản, vừa linh hoạt, lại rất rẻ và dễ mua. Với loại bút này, ngay cả những góc uốn lượn cầu kỳ nhất hay đòi hỏi độ cầu kỳ như vẽ bộ râu thì ngòi bút vẫn len được vào tận nơi để tạo hình nét vẽ.
Và cũng nhờ thế những hình ảnh về làng quê Việt Nam, về đời sống của người nông dân như: Các mẹ, các chị, các cô gồng gánh trên triền đê, cảnh trẻ chăn trâu cưỡi trâu trên đường làng… hay muôn mặt chân dung đã được anh Tuân khắc hoạ sinh động, nhiều màu sắc. Đặc biệt là những khuôn mặt thiếu nữ đẹp hút hồn cũng được anh thể hiện một cách sinh động trong quả trứng đà điểu.
Cho đến nay, 15 năm theo đuổi nghệ thuật vẽ tranh trong chai, anh Tuân chỉ có một ước mơ duy nhất đó là có tờ quyết định được xác lập kỷ lục Việt Nam là người duy nhất có biệt tài vẽ tranh trong chai. Anh cũng ước mong sau này 2 con trai của mình được học hành bài bản ở trường mỹ thuật để có thể tiếp nối theo nghề vẽ giống bố.
Huy Hoàng(DV)