Anh Khang thu tiền tỷ từ sơ chế gấc xuất khẩu

22/01/2022 09:29

Cơ sở sơ chế gấc của gia đình anh Lê Sỹ Khang (sinh năm 1984, ở xã Thanh Cường, Thanh Hà) những ngày này đang tấp nập chuẩn bị hàng Tết xuất khẩu.


Cơ sở sơ chế gấc của anh Khang đang tạo việc làm cho 40 lao động trung tuổi tại địa phương

Chăm chỉ và có khát vọng làm giàu, năm 2016 anh Khang đã từ bỏ nghề dầu khí ở Tây Nguyên để về làm nghề sơ chế gấc gia truyền. Anh đã đi nhiều nơi, đến nhiều cơ sở sơ chế gấc có truyền thống để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, hiểu biết của mình về nghề này. Nhờ đó, anh đã mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước.

Do có một thời gian ở Tây Nguyên nên anh Khang đã mua 31 ha đất tại Đắk Lắk và thuê thêm 198 ha ở các tỉnh Bình Phước, Gia Lai để trồng gấc. Cùng với cơ sở sơ chế tại huyện Thanh Hà, anh thành lập thêm một cơ sở sơ chế gấc tại tỉnh Đắk Lắk và thuê người quản lý. Gấc trồng tại các tỉnh trong Nam được thu hoạch và đưa về sơ chế tập trung tại cơ sở này. Anh đầu tư trên 10 tỷ đồng mua sắm thiết bị hiện đại như buồng sấy, cấp đông điện tử tại cả 2 cơ sở.

Tại Thanh Hà, anh thu mua gấc các nơi về, thuê người bóc quả, lấy cùi, hạt, sơ chế bảo quản đông lạnh. Bình quân mỗi ngày, anh nhập khoảng 15 tấn gấc quả, sau đó sơ chế xuất khẩu, chủ yếu để ép làm tinh dầu, bột, thảo dược. Hiện sản phẩm các cơ sở của anh Khang chủ yếu được xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... Chỉ có khoảng 10% bán ở thị trường nội địa phục vụ chế biến xôi gấc, bột gấc.


Cùi gấc được đưa lên sàng sấy

Để có được đối tác nước ngoài thu mua ổn định như hiện nay, anh đã mất nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thông tin trên các trang dịch vụ thương mại, đăng tải thông tin về cơ sở trên các website của nước ngoài. Bên cạnh đó, anh học hỏi cách bảo quản gấc tươi từ các giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hiện 2 cơ sở sơ chế gấc của anh Khang tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập từ 150.000-300.000 đồng/người/ngày. Mỗi năm, 2 cơ sở mang lại doanh thu trên 35 tỷ đồng, trừ chi phí anh Khang thu lãi khoảng 10 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Ngoan (68 tuổi cùng xã Thanh Cường) cho biết đã làm ở đây 13 năm, công việc nhàn hơn những nghề khác mà thu nhập ổn định. "Ở tuổi của tôi vẫn kiếm được thu nhập nên rất phấn khởi. Mong muốn cơ sở của anh Khang tiếp tục hoạt động ổn định để chúng tôi có việc làm thường xuyên", bà Ngoan nói. 

Thời gian tới, anh Khang tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở chế biến và tìm hiểu thêm về kỹ thuật tinh chế dầu gấc để sản xuất khép kín, đưa ra thị trường sản phẩm hoàn thiện nhất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và tiếp cận gần hơn với thị trường nội địa.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Anh Khang thu tiền tỷ từ sơ chế gấc xuất khẩu