Một chiều mưa xuân ấm áp chúng tôi tìm đến nhà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Nhật Chiêu ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách)...
Anh hùng Nguyễn Nhật Chiêu (ngồi giữa) kể chuyện truyền thống nhân kỷ niệm 40 năm
Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Có lẽ những người lính phi công vốn có thể lực tốt lại được rèn luyện bài bản, kỹ càng nên dù đã ở tuổi ngoài tám mươi nhưng vóc dáng của ông tráng kiện, mạnh mẽ. Câu chuyện càng sôi nổi hơn khi ông kể về đồng đội của mình, về bầu trời và những trận “không chiến” cam go, ác liệt mấy chục năm về trước. “Tôi nhập ngũ năm 1953, khi đang là học sinh trung học năm đầu tiên. Đơn vị tôi ngày ấy là Tiểu đoàn 159 - Quân khu Việt Bắc, hoạt động ở mặt trận Đường số 18 và Nam tỉnh Bắc Ninh. Thú thực mình chưa được đánh trận nào ra trò thì kháng chiến thắng lợi”- Đại tá Chiêu mở đầu câu chuyện.
“Nếu đất nước không chia cắt hai miền Nam- Bắc thì có lẽ mình đã trở thành thày giáo dạy văn hóa. Bởi sau khi tốt nghiệp trường văn hóa của Bộ Tổng tư lệnh ở Kiến An (Hải Phòng) tôi trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chiều ngày 25-8-1956, khi đang chơi bóng rổ ở sân trường thì có lệnh triệu tập về Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ đi nước ngoài học lái máy bay. Ngay đêm hôm đó, tôi và đồng đội được gặp Bác Hồ. Bác ân cần căn dặn chúng tôi rằng: “Lần này các cháu lên đường bằng ô-tô, tàu hỏa nhưng khi về nước phải lái được chiến đấu cơ phản lực”. Dẫu rằng thời gian của buổi gặp Bác lần đầu tiên ấy đã trôi qua hơn nửa thế kỷ nhưng những lời dặn dò của Người vẫn như mới ngày hôm qua”- ông Chiêu bày tỏ.
Sáng mờ đất ngày hôm sau, đoàn học viên gồm 60 người trong đó có Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Nguyễn Nhật Chiêu... sau này là những anh hùng phi công nổi tiếng, rời ga Hàng Cỏ bằng tàu hỏa liên vận, đi gần một tuần thì tới nước bạn. Ở đây, các học viên Việt Nam được đào tạo, huấn luyện 4 loại máy bay là IAK-11, IAK-18, MiG 15 và MiG 17.
Không quân Mỹ ném bom miền Bắc vào ngày 5-8-1964 thì hôm sau 6-8-1964, Nguyễn Nhật Chiêu và đồng đội được lệnh về nước. Được huấn luyện rất cơ bản, các phi công Việt Nam có thể thực hiện các bài bay trong đội hình lớn, các bài bay phức tạp. Khi về nước, ông và đồng đội tiếp tục luyện tập theo phương án và cách đánh phù hợp với điều kiện của không quân Việt Nam. “Trận xuất kích đầu tiên mình bị đối phương bắn hạ. Đó là ngày 17-6-1965, khoảng tầm 9 giờ sáng, biên đội MiG 17 gồm các phi công Lâm Văn Lích, Cao Thanh Tịnh, Lê Trọng Long, Nguyễn Nhật Chiêu nhận lệnh xuất kích chặn đánh tốp máy bay Mỹ trên bầu trời tỉnh Ninh Bình. Biên đội vừa vọt lên gặp ngay đội hình địch phía trước, tôi ném thùng dầu phụ tăng tốc đuổi theo và bắn một loạt đạn nhưng không trúng mục tiêu. Tôi tiếp tục bám theo địch thì bất ngờ bị một máy bay địch từ hướng khác phóng liền hai quả tên lửa, máy bay của tôi chao đảo, bốc cháy. Tôi bật dù và đáp xuống khu rừng bạt ngàn trong tình trạng bị thương ở đầu và chân. Sau 3 ngày lần mò tìm đường ra, tôi được nhân dân địa phương tìm thấy...”- ông Chiêu nhớ lại.
Phi công Nguyễn Nhật Chiêu (người đứng trái); Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Văn Cốc
Trở lại đơn vị, sau hơn 3 tháng miệt mài luyện tập với ý chí quyết tâm cao, ngày 20-9-1965, Nguyễn Nhật Chiêu lại tiếp tục xuất kích. Ông Chiêu kể: “Biên đội chúng tôi gồm Phạm Ngọc Lan, Trần Văn Trì, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Nhật Chiêu được lệnh cất cánh, đánh chặn tốp máy bay địch từ hướng biển bay vào khu vực Đông Bắc tỉnh Thái Nguyên. Đội hình biên đội vòng qua dãy Tam Đảo thì phát hiện một tốp 4 chiếc F-4 của địch. Biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan hạ lệnh toàn đội hình xông vào công kích địch. Nhưng lúc ấy đội hình ta và địch đều chui vào mây. Khi đang quan sát tìm đồng đội, thì một chiếc F-4 xuất hiện phía trước, tôi tăng tốc độ lên 900 km/giờ, bám sát đưa mục tiêu vào vòng ngắm quang học. Cách máy bay địch ở cự ly chừng 200 m, tôi bóp cò loạt đạn thứ nhất trượt dưới bụng máy bay địch. Tôi bình tĩnh giữ vững cự ly bắn tiếp loạt đạn thứ hai, “con ma” bùng lên rơi tại chỗ. Tên giặc lái bung dù...".
Lật giở cuốn an-bum ảnh gia đình, ông Chiêu lấy một tấm đã úa màu thời gian chụp chung với các phi công Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc đều là những anh hùng lừng lẫy, nỗi khiếp sợ của giặc lái Mỹ. Bức ảnh này chụp trước ngày diễn ra trận đánh diệt 3 máy bay địch và cũng là một trong những trận điển hình về cách đánh sáng tạo của không quân nhân dân Việt Nam. “Khoảng 14 giờ 58 ngày 23-8-1967, kíp trực ban chiến đấu chúng tôi nhận lệnh cất cánh từ sân bay Đa Phúc đánh chặn tốp máy bay địch đang tiến vào bầu trời Hà Nội. Trên dự kiến địch có khả năng tập trung đánh phá kho xăng Đức Giang, ga Đông Anh, Nhà máy Điện Hà Nội. Tôi bay số 1, Nguyễn Văn Cốc bay số 2. Bay qua cầu phao Long Biên, đón đánh địch trên bầu trời Tuyên Quang. Tôi nghe rõ tiếng của sĩ quan dẫn đường dưới mặt đất: “36 chú ý, bên phải 40 độ, độ cao 5.000, mục tiêu xuất hiện". Nhìn sang phải tôi phát hiện thấy nhiều tốp máy bay địch. Nguyễn Văn Cốc cũng báo cáo phát hiện mục tiêu. Tôi xin phép được công kích. Sở chỉ huy mặt đất nhất trí. Tôi vứt thùng dầu phụ, tăng lực toàn phần tiến gần đội hình địch. Chiếc đi đầu lọt vào tầm ngắm, kiểm tra các thông số kỹ thuật bảo đảm tốt, tôi nhấn nút phóng tên lửa nối liền vệt lửa tới máy bay địch, nó bốc cháy ngay. Gần như ngay tức khắc một quả tên lửa vượt qua “vai” tôi do Nguyễn Văn Cốc phóng diệt gọn chiếc thứ 2. Đội hình địch rối loạn và một chiếc nữa lọt vào vòng ngắm, tôi nhấn nút quả tên lửa vút đi, quật một tên F-4 nữa rơi tại chỗ. Đây là lần đầu tiên biên đội MiG-21 vận dụng thành công chiến thuật “số 2 đồng thời công kích” đạt hiệu quả cao. Trận đánh ấy chúng tôi được cấp trên thông báo có 5 tên giặc lái bị ta bắt sống”- anh hùng Nguyễn Nhật Chiêu cho biết.
Anh hùng phi công Nguyễn Nhật Chiêu lái thành thạo hai loại máy bay là MiG 17 và MiG 21 hiệu suất chiến đấu rất cao, 13 lần xuất kích trực tiếp bắn rơi 6 máy bay địch, chỉ huy đơn vị diệt 8 chiếc khác. Ngày 31-12-1973, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi nghỉ hưu, Đại tá Nguyễn Nhật Chiêu là Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân.
LÊ THÀNH VINH