Với bản tính cần cù, sáng tạo, gia đình ông Nguyễn Mạnh Tưởng (54 tuổi) ở thôn Mạc Đông, xã Tân Dân (Chí Linh) đã trở thành điển hình trong phong trào phát triển kinh tế...
Mỗi năm, 3 anh em ông Tưởng có thu nhập hơn 200 triệu đồng từ thâm canh lúa và làm dịch vụ nông nghiệp
Ông Tưởng sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ đều làm ruộng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Gia tài của bố mẹ để lại cho mỗi người là gần 2 sào ruộng. Không có điều kiện học hành, anh em ông Tưởng chỉ biết áp dụng kinh nghiệm của bản thân để phát triển kinh tế gia đình nhưng hiệu quả thấp, thu nhập eo hẹp. Không chịu chấp nhận hoàn cảnh, người anh cả Nguyễn Mạnh Tưởng đã đoàn kết anh em trong gia đình để cùng vượt qua khó khăn.
Cuối thập niên 90, người dân trong làng đua nhau đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp nên nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang. Sau một thời gian mày mò tìm hiểu ở các địa phương lân cận, ông nhận thấy nếu chuyên cần và biết cách làm ăn thì có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Từ đó, ông bàn bạc với 2 người em trai là ông Nguyễn Văn Nghiệp và Nguyễn Văn Kiên nhận lại những thửa ruộng bỏ hoang để gieo cấy lúa. Ông Nguyễn Trung Kiên nhớ lại: “Khi ấy, ngay cả bản thân chúng tôi cũng không tin tưởng việc này sẽ thành công. Nhưng với sự quyết tâm để thoát khỏi đói nghèo, anh em tôi bảo nhau cùng cố gắng”. Đến nay, 3 anh em ông Tưởng đã nhận hơn 10 mẫu ruộng bỏ hoang ở địa phương để canh tác.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, với diện tích trên 10 mẫu ruộng, mỗi năm 3 anh em ông Tưởng thu hoạch trên 20 tấn thóc.
Ngoài trồng lúa, 3 anh em ông Tưởng còn mua 1 chiếc máy tuốt lúa và 2 chiếc máy cày phục vụ sản xuất. Nhận thấy đây là hướng đi có hiệu quả, các ông tiếp tục vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân sắm thêm 4 máy làm đất, 3 máy gặt đập liên hoàn, 1 chiếc ô tô tải nhỏ để phục vụ bà con.
Với phương châm cung cấp dịch vụ khép kín, ông Tưởng cùng 2 người em đã tổ chức một đội sản xuất trên 15 người thực hiện từ khâu làm đất, cày, cấy đến thu hoạch, đóng gói và chuyển về tận nhà cho người dân với giá phải chăng. Chỉ riêng ở xã Tân Dân, tổ sản xuất của gia đình ông Tưởng đã nhận cung cấp dịch vụ trên 150 mẫu ruộng. Không chỉ phục vụ người dân địa phương, các ông còn đi nhiều nơi nhận làm thuê. Những năm gần đây, mỗi năm, 3 anh em ông Tưởng có thu nhập hơn 200 triệu đồng từ thâm canh lúa và làm dịch vụ nông nghiệp.
Khi kinh tế gia đình phát triển, anh em ông Tưởng có điều kiện để giúp đỡ người dân địa phương. Hằng năm, gia đình ông tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với thu nhập 150.000 đồng/ngày công. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được anh em ông cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc cho trả góp nhiều vụ... Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, 3 anh em ông còn nhiệt tình hỗ trợ máy móc, thiết bị và kinh phí để đắp đường nội đồng.
Bà Phạm Thị Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân khẳng định: Gia đình ông Tưởng là điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương nhiều năm qua. Hằng ngày, họ vẫn bám từng tấc đất, thửa ruộng để cho những mùa vàng bội thu. Nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn đã được anh em ông Tưởng giúp đỡ.
ĐỨC TÂM