Du lịch

Anh đánh mất vị thế là điểm nóng du lịch

T.H (theo VnExpress) 15/07/2024 05:50

Được biết đến là quốc gia ít thân thiện, nhiều bãi biển đẹp bị ô nhiễm, phí visa đắt khiến Anh dần mất vị thế là điểm nóng du lịch hàng đầu châu Âu.

Du khách chào đón và vây quanh xe ngựa khi Vua Charles xuất hiện trên đường phố London. Ảnh: Reuters
Du khách chào đón và vây quanh xe ngựa khi Vua Charles xuất hiện trên đường phố London

"Nước Anh đang bị đình trệ" là tuyên bố của Công đảng Anh và họ cam kết sẽ tạo thay đổi sau khi lên cầm quyền. Ngày 5/7, lãnh đạo đảng này là Keir Starmer trở thành Thủ tướng Anh tiếp theo. Du khách khắp thế giới tò mò muốn biết Anh sẽ thay đổi như thế nào với ngành du lịch.

Trước đây, du khách đã đổ xô đến Anh. Di sản và các di tích văn hóa, truyền thống của đất nước này được ví như "những viên ngọc quý trên vương miện châu Âu". Năm 2019, Anh đón gần 41 triệu lượt khách. Năm 2023, khi số lượng du khách tăng lên khắp toàn cầu thì Anh vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, với gần 38 triệu lượt khách. Lượng khách xin visa giảm 19% so với trước dịch.

Anh có đường bờ biển đẹp nhưng những năm gần đây nhiều bãi biển ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải. Mua sắm miễn thuế cho khách du lịch bị hạn chế, khách trong khối Liên minh châu Âu (EU) hiện cần có hộ chiếu để ghé thăm. Trong khi đó, các kế hoạch đưa ra của chính phủ Anh như hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông lại cần thời gian để hoàn thành, khoảng 10 năm.

Tom Jenkins, CEO Tổ chức Du lịch Châu Âu nhận xét ngành du lịch Anh "đang hoạt động rất tốt" nhưng năm nay nhu cầu đến châu Âu (phần đất liền) nhiều hơn. Khách Mỹ cũng bớt cuồng đến Anh hơn và số lượng khách đang ở mức ổn định.

Patricia Yates, CEO VisitBritain, website của Hội đồng Du lịch Anh, phủ nhận nhận định trên và cho rằng khách Mỹ đang thúc đẩy ngành du lịch phục hồi. Kayla Zeigner, Giám đốc công ty du lịch Destination Europe, cho biết đang nhận nhiều tour đi Anh nhiều hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, theo Marcy Zyonse, Giám đốc công ty du lịch Live The Dream, nước Anh bị ảnh hưởng bởi thay đổi trong xu hướng du lịch hậu đại dịch. "Anh nằm ở vị trí rất thấp trong danh sách điểm đến muốn ghé thăm của du khách", cô nói. Khách từ các nước nói tiếng Anh đang có xu hướng chọn điểm đến không chung ngôn ngữ để tìm trải nghiệm mới lạ.

Các chuyên gia cho biết thêm hiện ngành du lịch Anh còn ảnh hưởng bởi dư âm của đại dịch. Để làm cho nước Anh "vĩ đại lại lần nữa", theo các chuyên gia, chính phủ mới có thể phải sử dụng du lịch như một đòn bẩy kinh tế. Điểm mạnh của du lịch là có thể kết nối nhanh chóng, quảng cáo đúng người đúng thời điểm. Tuy nhiên, chính phủ cần rót mạnh cho ngân sách quảng bá du lịch. Theo Patricia Yates của VisitBritain, ngân sách của họ khoảng 23 triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, con số dành cho du lịch của nước láng giềng Ireland là 85,5 triệu USD.

Một góc ở Canterbury, thành phố đẹp nổi tiếng tại Anh và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ảnh: Instagram/VisitBritain
Một góc ở Canterbury, thành phố đẹp nổi tiếng tại Anh được UNESCO công nhận là di sản thế giới

Yates mong muốn chính phủ quan tâm đến ngành du lịch hơn vì ngành mang lại hơn 3 triệu việc làm, chiếm khoảng 10% nền kinh tế. Thông điệp chào mừng là một trong những chiến dịch quan trọng nhất để hút khách. Trong khi đó, nước Anh vốn có nhiều định kiến về sự thân thiện. Phí visa cao. Thị thực dành cho khách Trung Quốc đến Anh thời gian một năm có phí tương đương khách xin thị thực 10 năm đến Mỹ. Marcus Lee, CEO China Travel Online cho biết chính sách thị thực là một trong 3 động lực hàng đầu thu hút khách Trung.

Điểm mua sắm miễn thuế ở làng Bicester thuộc Oxfordshire từng thu hút nhiều du khách. Ảnh: Reuters
Điểm mua sắm miễn thuế ở làng Bicester thuộc Oxfordshire từng thu hút nhiều du khách

Yates cho biết lượng khách đến từ các nước Trung Đông tăng đáng kể khi Anh cấp giấy phép du lịch điện tử (ETA), khiến quy trình xử lý nhanh hơn phương pháp nộp giấy tờ truyền thống.

Miễn thuế cũng là vấn đề khiến ngành du lịch Anh thất thu. Sau khi rời EU (Brexit) năm 2021, chính phủ Anh bãi bỏ mua sắm miễn thuế với các công dân ngoài khối. Dữ liệu từ Công ty New West End đại diện cho hơn 600 doanh nghiệp ở trung tâm London hồi tháng 2 chỉ ra lượng khách đến Anh năm 2023 thấp hơn 2019 khoảng 4%. Nhưng chi tiêu lại giảm 19%. Khách nhà giàu tại các quốc gia vùng Vịnh đến Anh tăng 20% nhưng họ chỉ chi thêm 10% để mua sắm so với 2019. Điều tương tự đối với khách khắp thế giới. Khách Mỹ đến Anh năm 2023 tăng 8% nhưng chi tiêu ít hơn 14%. Trong khi đó tại Italy và Tây Ban Nha, chi tiêu của khách Mỹ tăng 143% và 179%.

Dee Corsi, CEO của New West End nói khách đến Anh chi tiêu ít hơn là do tác động của chính sách không còn được miễn thuế. Trong khi nước Anh đang cố gắng hồi phục như trước dịch thì châu Âu đang tăng tốc.

Công dân EU hiện cần có hộ chiếu để đến Anh, trong khi trước Brexit, họ có thể qua biên giới bằng thẻ căn cước. Jenkins năm 2021 từng cho biết thêm khoảng 75% người châu Âu không có hộ chiếu.

Để "giải cứu ngành du lịch Anh", chính phủ được gợi ý cần dành nhiều ngân sách cho tiếp thị, thu hút du khách hơn. Các ý tưởng quảng bá cũng nên hiện đại, phù hợp với sở thích hiện tại của du khách.

Cuối năm nay, VisitBritain sẽ khởi động chiến dịch "Starring Great Britain" nhằm giới thiệu các điểm đến là phim trường nổi tiếng. Chính phủ cũng hướng tới gợi ý về các chuyến du lịch trái mùa để có giá cả phải chăng.

Ngoài ra, Yates tin rằng Anh cần cải thiện danh tiếng trên trường quốc tế, trở thành quốc gia thân thiện, đa dạng văn hóa, sôi động.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Anh đánh mất vị thế là điểm nóng du lịch
    ss