Ở tỉnh ta, anh Trần Văn Chương (sinh năm 1983, ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung, Nam Sách) là người đầu tiên thử nghiệm nuôi trai nước ngọt lấy ngọc...
Anh Chương cấy nhân cứng và mô tế bào cho trai
Nuôi trai nước mặn lấy ngọc rất phổ biến nhưng việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc thì rất ít người làm. Gần đây, một số người đã thử nghiệm thành công nuôi trai nước ngọt lấy ngọc bằng phương pháp cấy nhân cứng và mô tế bào trai cho ngọc chất lượng và giá bán không kém so với ngọc trai nước mặn. Ở tỉnh ta, anh Trần Văn Chương (sinh năm 1983, ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung, Nam Sách) là người đầu tiên thử nghiệm nuôi trai nước ngọt lấy ngọc bằng phương pháp này.
Quyết định bất ngờNăm 2015, khi xem chương trình "Sinh ra từ làng" trên VTV, anh Chương biết mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc của anh Đinh Văn Việt ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình). "Đây là mô hình mới, đem lại giá trị kinh tế cao trong khi ở Hải Dương chưa ai làm. Tôi nghĩ muốn thành công, mình cần phải đi vào lĩnh vực chưa ai khai phá", anh Chương nói.
Thời điểm đó, anh Chương đang là thợ sửa điện thoại tại quê. Khách hàng ít, mỗi ngày chỉ sửa được vài chiếc điện thoại "cục gạch" nên thu nhập chỉ dăm ba chục nghìn. Gia đình 6 người, chi tiêu nhiều, cuộc sống khó khăn thôi thúc anh Chương cần phải làm việc gì đó để thay đổi cuộc sống. Anh quyết định khăn gói tới Ninh Bình để học nghề nuôi trai lấy ngọc, tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Trước quyết định đổi nghề, anh vấp phải sự phản đối từ phía gia đình, nhất là bố mẹ và vợ. Họ cho rằng quyết định của anh chỉ là sự nông nổi nhất thời, thậm chí là "điên". Mặc cho mọi người phản đối, anh Chương vẫn quyết tâm đi học nuôi trai. May mắn, anh Chương được anh Đinh Văn Việt nhận vừa học vừa làm ở trang trại của mình. Thời gian đầu, anh Chương ở 3 tháng tại trang trại của anh Việt để học kỹ thuật nuôi trai. Sau đó anh vừa học, vừa tự xây bể thực hành tại nhà. Đến nay, anh Chương đã đầu tư gần 1 tỷ đồng nuôi thử nghiệm trai nước ngọt lấy ngọc trên diện tích hơn 7 sào ao tại gia đình.
Anh Chương đã khá thành thạo các kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, nhất là kỹ thuật cấy nhân cứng và mô tế bào màng áo ngoài cho trai. Đây là kỹ thuật khó, ngay cả các nước sản xuất ngọc trai truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang mới thử nghiệm. Anh Chương mua trai nguyên liệu, sau đó phân loại, con bé dùng để cắt mô tế bào, con to làm trai cấy. "Việc lựa chọn trai cấy chủ yếu nhìn bằng mắt thường, dựa theo vân trên vỏ sẽ biết được con trai khỏe đến đâu. Ngoài ra, tính theo con trăng, mỗi tháng trai sẽ có thêm một lớp vân trên vỏ. Từ đó sẽ tính được độ tuổi của trai", anh Chương cho biết.
Nhiều hứa hẹn
Anh Chương thường xuyên mổ trai để kiểm tra chất lượng ngọc
Theo anh Chương, trai nuôi để lấy ngọc phải là loại trai đen cánh dày, trai xanh cánh mỏng. Ở tỉnh ta, nguồn trai này rất dồi dào. Ngoài ra, dưới các con sông của tỉnh còn có loại trai cóc, nặng từ 500 - 600 g, vỏ dày 3 mm. Đây là loài trai quý, chỉ có ở dòng sông Mississippi (Mỹ), vỏ được dùng để sản xuất lõi của viên ngọc trai. Giá của 1 kg lõi ngọc trai này từ 8 - 13 triệu đồng, tùy kích cỡ. Từ nguồn nguyên liệu phong phú tại quê nhà, anh Chương ấp ủ một ngày mình sẽ làm chủ công nghệ sản xuất lõi ngọc trai từ loại trai cóc.
Trai nước ngọt lấy ngọc có thể nuôi cộng sinh trong ao cá. Cơ chế hút xiphon, lọc nước lấy thức ăn của trai giúp tạo thêm oxy trong nước cho cá. Ngược lại, phân cá giúp tạo thêm tảo là nguồn thức ăn cho trai. Vì vậy, đây là mô hình phù hợp với điều kiện ở đa số các ao thả cá của người dân trong tỉnh.
Anh Đinh Văn Việt là người đầu tiên ứng dụng thành công việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc bằng phương pháp cấy nhân cứng và mô tế bào mới, cho tỷ lệ ngậm ngọc từ 70-80%. Anh Chương lại là 1 trong 10 người đại diện của 10 tỉnh phía Bắc được anh Việt nhận chuyển giao công nghệ trên.
Liên lạc qua điện thoại, anh Việt cho biết: "Tôi chỉ nhận 10 người ở 10 tỉnh phía Bắc. 10 học viên này sẽ là hạt nhân để nhân rộng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc". Hiện nay, giá bán của mỗi viên ngọc trai loại nhỏ trung bình từ 300.000 - 500.000 đồng, loại to trung bình từ 700.000 - 800.000 đồng, thậm chí có viên lên tới 5 - 7 triệu đồng tùy màu sắc, độ bóng, kích cỡ... "Tôi sẽ bao tiêu đầu ra cho ngọc trai được sản xuất tại trang trại của anh Chương", anh Việt khẳng định.
Thời gian thu hoạch mỗi lứa trai lấy ngọc trung bình 18 tháng trở lên. Đến thời điểm này, lứa trai đầu tiên anh Chương nuôi được 14 tháng. Dự kiến sau khoảng 4 - 5 tháng nữa, trai sẽ cho thu hoạch. Quá trình theo dõi, kiểm tra sự sinh trưởng phát triển của trai, anh Chương tự tin tỷ lệ ngậm ngọc đạt 70 - 80%, hứa hẹn sẽ thành công. "Theo tính toán của những người làm nghề, tỷ lệ ngậm ngọc đạt 5% so với lượng cấy ban đầu đã là hòa vốn", anh Chương nói. Anh mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ để mở rộng mô hình này.
LÊ HƯƠNG