Anh chủ nhiệm miệng nói, tay làm

27/05/2019 06:54

Gắn bó gần 10 năm với nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Trung (Nam Sách) đã thay đổi cách làm, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp địa phương.

Anh Tiệp đã đưa giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá về địa phương gieo cấy

Tư duy mới

Năm 2010, anh Tiệp chuyển công tác từ Văn phòng Đảng ủy xã sang làm Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp. Sau thời gian làm quen với công việc mới, anh Tiệp thấy được những khó khăn cũng như bất cập trong sản xuất nông nghiệp của xã.

Người dân Nam Trung quen nếp canh tác cũ. Cây giống là những loại cây truyền thống nên không đáp ứng được khi thị trường đòi hỏi ngày một cao. Vì vậy, anh Tiệp đã tìm hiểu những loại giống mới, phù hợp rồi vận động người dân đưa vào đồng ruộng.

“Thay đổi thói quen đã tồn tại nhiều năm không dễ. Song, vì tôi còn kiêm cả công việc ở Đài Truyền thanh xã nên việc tuyên truyền tới nông dân cũng thuận lợi hơn. Hiệu quả sản xuất chính là câu trả lời cho những cố gắng không chỉ của bản thân tôi và còn của nhân dân trong xã”, anh Tiệp cho biết.

Xã Nam Trung đi đầu trong việc áp dụng các giống mới vào sản xuất của huyện. Giống hành lai cho năng suất, chất lượng tốt, giá bán cao được nông dân tin tưởng đưa vào canh tác. Các giống lúa cũ, thoái hóa được thay thế bằng giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá chống chịu sâu bệnh tốt và mang lại giá trị kinh tế cao. Khi các địa phương khác vẫn còn bỡ ngỡ về vùng sản xuất hàng hóa tập trung thì từ năm 2013, xã Nam Trung đã triển khai mô hình này trên lúa và rau màu.

Vấn đề nhức nhối trong chăn nuôi là xử lý nước thải, anh Tiệp cũng tìm cách tháo gỡ. Toàn xã có 51 ha đất chuyển đổi để làm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 31 ha ao nuôi thủy sản. Trước năm 2013, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nên xả nước thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Anh Tiệp mời các chuyên gia về tập huấn cho nông dân biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đến nay, nước thải, chất thải từ chăn nuôi đã được xử lý tốt.

Làm tốt khâu dịch vụ

Là vùng trồng hành lớn của huyện, song trước đây xã Nam Trung luôn phải đối mặt với nguy cơ hạn hán trong vụ đông. 130 ha trong tổng số 215 ha hành của địa phương luôn trong tình trạng thấp thỏm chờ nước tưới. Anh Tiệp và các thành viên HTX phải rất vất vả để có thể điều tiết, cân đối lượng nước tưới cho từng khu. Năm 2017, được sự hỗ trợ của tỉnh, sông Quán Xẻ được nạo vét nên nước tưới không còn căng thẳng như trước.

Trước đây, xã Nam Trung có tổ diệt chuột theo từng thôn nhưng hoạt động không hiệu quả, lúa bị chuột cắn phá, năng suất giảm. Năm 2018, anh Tiệp thành lập đội diệt chuột của xã và mời công ty chuyên diệt chuột về giúp địa phương. Song, vì địa hình và nhiều cơ sở chế biến nông sản đóng trên địa bàn nên công ty từ chối. Do vậy, anh Tiệp đã trực tiếp đảm nhận công việc này.

Ngoài đánh bắt chuột bằng nhiều biện pháp như bẫy cạm, đánh bả…, anh Tiệp chủ động cấp thuốc cho người dân trong các khu dân cư và cơ sở chế biến nông sản phối hợp diệt chuột để chuột không còn nơi trú ngụ. Nhờ vậy, mùa màng ở Nam Trung được bảo vệ, người dân phấn khởi, ủng hộ tổ diệt chuột của anh Tiệp.

Xã Nam Trung có 300 hộ làm nghề sấy hành tỏi nhưng, đường sá, hệ thống thoát nước còn khó khăn. Thấy vậy, anh Tiệp tích cực tham gia vận động người dân hiến đất làm đường và cải tạo hệ thống thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường ở các khu sơ chế, chế biến. Đến nay, xã đã hoàn thành 15 km đường bê tông có chiều rộng từ 3,5 m trở lên, có đường thoát nước đi kèm. Nhờ đó, các hộ sấy hành tỏi gặp thuận lợi hơn trong sản xuất và vận chuyển sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết anh Tiệp có nhiều đóng góp cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, được chính quyền và người dân ghi nhận. Năm 2018, anh Tiệp được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Anh chủ nhiệm miệng nói, tay làm