Trong thời gian môn bóng bàn SEA Games 31 diễn ra tại Hải Dương, chúng tôi đã có cơ hội tác nghiệp cùng nhiều phóng viên đến từ một số nước ASEAN như Singapore, Malaysia hay Thái Lan. Ở họ toát lên vẻ cởi mở, thân thiện và nhất là cách làm việc chuyên nghiệp.
Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại một trận đấu bóng bàn SEA Games 31. Ảnh: MAI ANH
Chuyên nghiệp
Muhammad Faddy Ahmad năm nay 31 tuổi và đã có 8 năm làm báo trong vai trò của một cameraman, vừa quay phim, vừa chụp ảnh. Tại SEA Games 31, sau 2 ngày giải bóng bàn diễn ra anh mới từ Hà Nội về Hải Dương. Khi đó, các tay vợt bóng bàn nam và nữ đồng hương Singapore của anh bắt đầu bước vào các trận chung kết. Ở những trận đấu quan trọng đó, bóng bàn Singapore thống trị hoàn toàn ở cả nội dung nam và nữ, sau khi vượt qua các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan, Malaysia và chủ nhà Việt Nam. Điều này khiến Muhammad Faddy Ahmad rất phấn khích, bởi lẽ không phải phóng viên nào cũng có cơ may chứng kiến đội nhà lên ngôi vô địch.
Lần này Muhammad Faddy Ahmad sang Việt Nam cùng với một đồng nghiệp của kênh truyền hình CNA (Channel NewsAsia). Đây là kênh tin tức truyền hình trả tiền có trụ sở tại Singapore. “Vào CNA không cần bằng cấp mà cần kinh nghiệm, nhất là khả năng tác nghiệp độc lập”, Muhammad Faddy Ahmad cho biết. Do đồng nghiệp đi cùng ở lại Hà Nội để đưa tin về các môn thể thao khác nên tại Hải Dương, Muhammad Faddy Ahmad ngoài quay phim, chụp ảnh còn phải làm tin về các trận đấu. Không như nhiều đồng nghiệp quốc tế khác, Muhammad Faddy Ahmad chỉ đưa tin, hình ảnh và video “đầu-cuối”. Nghĩa là bản tin, các hình ảnh đính kèm trên trang web và video kèm thông tin ngắn gọn trên kênh truyền hình xuất hiện ngay sau khi trận đấu diễn ra. Kết thúc trận sẽ có thêm thông tin cập nhật vào bản tin đầu. “Không nhiều người đọc, người xem có nhu cầu nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính đọc diễn biến của cả trận đấu hoặc có thời gian ngồi trước tivi xem cả trận. Vì thế quan điểm của CNA là chiều theo số đông, chỉ đưa tin ngắn gọn nhưng nguyên tắc là phải nhanh nhất”, Muhammad Faddy Ahmad cho biết thêm.
Tính cả SEA Games 31, Muhammad Faddy Ahmad đã tác nghiệp tại 3 kỳ SEA Games liên tiếp. Anh cho rằng tác nghiệp tại Hà Nội cũng như Hải Dương rất thuận lợi, nhất là về hạ tầng kỹ thuật, đường truyền internet tốc độ cao, Trung tâm Báo chí rộng rãi và đội ngũ tình nguyện viên đông đảo, sẵn sàng hỗ trợ bất cứ yêu cầu nào của các nhà báo quốc tế.
Khác với người đồng nghiệp của kênh CNA, Chaithakorn Tangsritannawong, phóng viên đến từ Thái Lan có cách tác nghiệp khá vất vả khi một mình vừa quay phim, chụp ảnh và làm tin. Phong cách của Chaithakorn Tangsritannawong cũng như nhiều phóng viên quốc tế khác là gọn nhẹ nhưng chuyên nghiệp. Còn trang phục đa phần là áo phông, quần soóc, giày thể thao để tiện di chuyển hay đứng lên, ngồi xuống. Trong trận chung kết đơn nam giữa tay vợt đồng hương Phakpoom gặp vận động viên chủ nhà Nguyễn Đức Tuân, Chaithakorn Tangsritannawong đã “phân thân” khi lăn lê bò toài trên sàn nhà thi đấu để có thể cùng một lúc làm nhiều việc. Một máy ảnh đặt sẵn để quay clip, một máy ảnh để chụp, chụp xong lập tức rút thẻ cắm vào laptop đang mở sẵn để xử lý ảnh và gõ thông tin. Chỉ ít phút trận chung kết hạ màn thì công việc của Chaithakorn Tangsritannawong cũng đã kết thúc. Tại Trung tâm Báo chí đặt ngay gần sàn đấu, Chaithakorn Tangsritannawong khá buồn sau thất bại của Phakpoom. “Nếu tay vợt của chúng tôi chiến thắng thì bản tin sẽ hay hơn”, Chaithakorn Tangsritannawong nói.
Thân thiện
Một điều dễ nhận thấy là các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Hải Dương trong thời gian SEA Games 31 diễn ra đều có một nguyên tắc chung là không trò chuyện khi đang làm việc. Có một số đồng nghiệp người Việt Nam tiến lại đề nghị đưa ra nhận định về trận đấu đã bị họ phản ứng khá gay gắt và từ chối ngay lập tức. Thế nhưng khi trận đấu chưa bắt đầu hoặc công việc kết thúc, các phóng viên này lại tỏ ra rất cởi mở và thân thiện. Họ sẵn sàng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn hoặc những ấn tượng khi làm việc tại Hải Dương.
Kang Wei Wong-phóng viên truyền hình đến từ Singapore kể ngoài thời gian các vận động viên vào trận anh thường tản bộ quanh khu vực nhà thi đấu. Anh đã được nghe các ca sĩ đi thuyền hát trên sông và được thưởng thức một loại đồ uống rất phổ biến ở Hà Nội và Hải Dương ngay trên vỉa hè, đó là trà đá. “Khi biết tôi là người nước ngoài, nhiều người dân và rất đông trẻ em đề nghị được chụp ảnh cùng. Rất tiếc tôi không có nhiều thời gian để được thưởng thức các món ăn ở đây. Trước khi về Hải Dương, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết ở đây có bánh cuốn, bún cá nhưng tiếc là quanh khu vực nhà thi đấu không có. Hy vọng sẽ có lần tôi quay lại Hải Dương”, Kang Wei Wong vui vẻ nói.
Còn đối với Muhammad Faddy Ahmad của kênh CNA, đã 3 lần đến Việt Nam nên anh hòa nhập khá nhanh. Trước các trận đấu của tuyển Singapore, Muhammad Faddy Ahmad đều ngồi ở hành lang trước cửa Trung tâm Báo chí cùng với các phóng viên Việt Nam trò chuyện thông qua tình nguyện viên, cùng chia sẻ điếu thuốc hay cốc trà đá. Anh cho biết đã có cơ hội đi đến nhiều nơi ở Việt Nam và nếu CNA đặt trụ sở tại Việt Nam anh sẵn sàng sang đây làm việc. “Mọi người cứ nói ấn tượng ở Việt Nam là giao thông hỗn loạn, nhưng tôi thấy ở Đông Nam Á nhiều nước như thế, ví dụ Indonesia cũng tắc đường kinh khủng. Ấn tượng của tôi về Việt Nam là món ăn cực ngon, cực rẻ và nhất là con gái cực xinh. Các tình nguyện viên ở Hải Dương này cũng thế”, Muhammad Faddy Ahmad cười vui vẻ.
Trong thời gian môn bóng bàn SEA Games diễn ra, đã có 10 phóng viên quốc tế về tác nghiệp tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao Hải Dương. Họ đều làm việc cho những cơ quan báo chí lớn và có kinh nghiệm tác nghiệp ở nước ngoài. Gặp họ là một cơ hội để các phóng viên Việt Nam như chúng tôi có điều kiện tìm hiểu thêm về phong cách làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.
TIẾN HUY