Những quả dừa phun nhũ vàng óng ánh nổi bật dòng chữ thư pháp màu đỏ mềm mại cùng những họa tiết cánh đào, hoa mai xung quanh… đã để lại ấn tượng cho người mua.
Mỗi ngày anh Thành vẽ được 10-15 quả dừa
Với màu vàng bắt mắt tượng trưng cho tài lộc cùng những dòng chữ thư pháp và hình ảnh đa sắc màu đậm không khí Tết, những quả dừa thô ráp đã được anh Lưu Xuân Thành (sinh năm 1985), một họa sĩ khuyết tật ở thôn Kim Định, xã Đại Đức (Kim Thành) “thổi hồn” và trở thành sản phẩm được nhiều người ưa chuộng dịp Tết này.
Anh Thành sinh ra trong gia đình thuần nông có 3 chị em. Năm 10 tuổi, bị ngã trong một trận đấu bóng khiến anh mất khả năng ngồi, chân tay teo quắp. Qua mạng xã hội và website của Hội Người khuyết tật Việt Nam, anh bắt đầu tìm tòi, học hỏi về máy tính và có thể xử lý trơn tru các thao tác soạn thảo văn bản, đồ họa... Dần dần, anh học thêm nghệ thuật vẽ tranh. Sau gần 10 năm bén duyên với nghệ thuật vẽ tranh, vượt qua nỗi đau, sự khiếm khuyết của bản thân, anh Thành đã cho ra đời trên 300 bức tranh đủ thể loại, từ tranh truyền thần, màu nước đến tranh sơn dầu, 3D.
Hai tuần nay, anh Thành lúc nào cũng bận rộn với việc vẽ thư pháp trên quả dừa để bán cho người dân địa phương và nhiều người trên mạng xã hội. “Khi tôi chia sẻ ý tưởng trên Facebook về việc sẽ sơn vàng và viết chữ thư pháp lên quả dừa để bán trong dịp Tết thì có nhiều người ủng hộ. Dừa vàng khắc chữ thư pháp không chỉ tạo sự ấn tượng, mà theo quan niệm còn giúp cầu may mắn, tiền tài trong năm mới”, anh Thành nói.
Anh Thành cho biết dừa được chọn để viết chữ thư pháp phải có hình dáng cân đối, nở đều, da nhẵn mịn, không trầy xước, lồi lõm hoặc có vết nứt. Mỗi quả dừa thư pháp được anh Thành vẽ bằng tay trong 30-40 phút tùy theo mức độ phức tạp, cầu kỳ của hình vẽ hay độ dài ngắn của chữ trên quả. Ban đầu phải lau sạch toàn thân dừa và cắt ngắn cuống. Sau khi phun một lớp sơn vàng bóng, để khô sẽ viết chữ, vẽ tranh. Bên cạnh các chữ thư pháp thông dụng như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Phát Tài, Phát Lộc... anh Thành còn vẽ thêm hình thần tài, hoa đào, hoa mai, chim én… để sản phẩm thêm đa dạng và bắt mắt.
Sở dĩ anh Thành chọn dừa để vẽ thư pháp vì đây là loại quả có vỏ cứng, dày nên dễ dàng vận chuyển đi xa và có thể bảo quản được lâu. Mỗi ngày anh vẽ được 10-15 quả, mỗi quả bán với giá 100.000 đồng. Sau khi trừ chi phí mua dừa quả, sơn, cọ vẽ… anh lãi từ 30.000 - 40.000 đồng/quả.
Những quả dừa phun nhũ vàng óng ánh nổi bật dòng chữ thư pháp màu đỏ mềm mại cùng những họa tiết cánh đào, hoa mai xung quanh… đã để lại ấn tượng cho người mua. Với ưu điểm độc đáo, dễ bảo quản và trưng bày được lâu nên dừa thư pháp tiêu thụ nhanh. Hiện nay, anh Thành phải làm liên tục từ sáng tới đêm muộn nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
LƯƠNG THIỆN