Cù Lao Chàm nay là xã Tân Hiệp thuộc TP Hội An (Quảng Nam). Cù Lao Chàm gắn với sự hình thành phát triển đô thị cổ Hội An.
Bãi tắm thoai thoải
Ở đây còn lưu giữ dấu vết văn hóa Chăm và Sa Huỳnh, Đại Việt.
Chúng tôi đến Cửa Đại lúc 8 giờ sáng, xuống ca nô cao tốc có áo phao cứu sinh. Đặc biệt hướng dẫn viên người nào cũng rất niềm nở và không quên dặn câu cửa miệng là: "Xin mời quý khách bỏ các thứ cần dùng vào túi vải chứ không được mang theo túi nilon”. Thì ra ở Cù Lao Chàm có một quy định rất nghiêm ngặt là khách du lịch và người dân trên đảo không được dùng túi nilon. Sau khoảng 20 phút ca nô cao tốc chạy từ bến tàu Cửa Đại đưa chúng tôi đến cầu cảng Cù Lao Chàm cách bờ khoảng 15 hải lý.
Ấn tượng đầu tiên là giếng cổ trên Cù Lao Chàm ở xóm Cấm. Giếng cổ Chăm là giếng nước ngọt duy nhất ở vùng đất này. Ở đây còn lưu truyền câu chuyện uống nước giếng cổ Cù Lao Chàm để cầu tình duyên. Những người chưa có người yêu thì con trai uống 7 ngụm, con gái uống 9 ngụm nước, tình yêu sẽ đến. Người ta còn bảo uống nước giếng có thể sinh con theo ý muốn. Bởi vậy, có rất nhiều cặp trai gái khách du lịch chia cho nhau từng ngụm nước ngọt múc từ cái giếng độc đáo này.
Chùa Hải Tạng, một điểm du lịch tâm linh ở Cù Lao Chàm
Điểm dừng chân thứ hai của chúng tôi ở Cù Lao Chàm là chùa Hải Tạng. Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m. Nhưng sau đó do bị bão gió đã hư hại nặng và để tiện cho các tín đồ là ngư dân trên đảo và thương thuyền các nước ghé vào hành lễ cầu may nên đến năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa dời về vị trí hiện nay ở chân núi phía tây hòn Lao, nhìn thẳng vào núi Bà Mộc như thể hòn xôi án ngự. Phía trước chùa có tượng Phật Quan Âm đứng trên đài sen giữa lòng hồ sen nhỏ, mặt hướng về Biển Đông như che chở cho cuộc sống an lành của người dân nơi đây. Tên chữ Hải Tạng mang một hàm ý đẹp: là nơi hội tụ kinh Tam Tạng mênh mông cho biển cả.
Đến Cù Lao Chàm tôi bất ngờ được biết có một dấu ấn văn hóa của xứ đảo này đó là nghề đan võng ngô đồng truyền thống. Cây ngô đồng được đưa về đập ra, dùng tay tước vỏ cứng và lấy sợi màu trắng đục xe thành sợi to. Đan võng rất khó, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì ngồi nhiều giờ mỗi ngày, cẩn thận xe lại từng múi rồi bện lại thành nhiều đốt. Chính vì vậy đan xong một cái võng phải mất gần hai tháng ròng rã liên tục. Võng ngô đồng không chỉ êm, bền mà nghe dân ở đây nói còn chữa được bệnh đau lưng, dãn cột sống. Giá võng ở đây từ 3 - 4 triệu đồng/chiếc, chủ yếu bán cho khách du lịch.
Du khách thỏa thuê ngắm san hô
Cù Lao Chàm là một quần thể trong đó hòn Lao lớn nhất có khoảng gần 3.000 người sinh sống mang trong mình một sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Cát ở đảo sạch đến độ đặt lưng ướt xuống rồi nhổm dậy thì những hạt cát rơi không bám chút bụi đất nào trên da. Bãi tắm thoai thoải cát mịn, trên bờ là những hàng dừa xanh tỏa bóng mắc những chiếc võng đung đưa hay những chiếc ghế bạt cho khách du lịch sau khi ăn trưa nghỉ thoải mái. Trong chương trình một ngày ở Cù Lao Chàm chúng tôi được ngắm san hô ở bãi hòn Tai. Ca nô đậu cách bờ mấy chục mét cho khách du lịch khoác tấm áo phao mang ống thở úp mặt xuống làn nước trong xanh, có cảm giác như mình đang lạc vào cõi thủy cung. Ở đây có những rạn san hô rực rỡ, rập rờn như một phần cơ thể sống phập phồng dưới làn nước. Có những con cá lượn lờ bơi quanh những con sao, con ốc đủ hình thù, màu sắc. Các môn thể thao như dù lượn lướt sóng hay đi bộ dưới biển ngắm kỳ quan của thiên nhiên luôn có sức hút với du khách nước ngoài và người trẻ. Chúng tôi được thưởng thức bữa trưa ngay tại bãi Hương lộng gió. Thực đơn gồm 11 món, mâm nào cũng giống nhau, tây cũng như ta, bao gồm các loại hải sản tươi như cá, mực, nghêu, tôm và các loại rau củ sạch được trồng trên đảo. Cù Lao Chàm có nhiều đặc sản như món ốc vú nàng, cua đá hấp bia... mà ai từng tới đây cũng muốn thưởng thức một lần.
Tạm biệt Cù Lao Chàm tôi mang về theo mình cái vỏ ốc lấp lánh ánh xà cừ có những đường vân chìm, nổi rất đẹp. Và khi tôi giơ vỏ ốc lên thì bất ngờ thảng thốt vọng ra tiếng gió u u thổi ngân vang...
NGUYỄN NGỌC PHÚ