Nữ chiến sĩ lão thành cách mạng Chu Thị Kim Sơn không còn nữa, song dấu ấn của bà với sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hải Dương vẫn khắc ghi cùng lịch sử.
Nữ chiến sĩ lão thành cách mạng Chu Thị Kim Sơn (bên trái) lúc còn sống
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, năm 2015, tôi được lãnh đạo Báo Hải Dương cử đi công tác Hà Nội để thực hiện bài viết về nữ chiến sĩ lão thành cách mạng Chu Thị Kim Sơn, một trong 3 đồng chí tham gia Ban Tỉnh ủy lâm thời năm 1940.
Theo địa chỉ mà Văn phòng Tỉnh ủy cung cấp, đến gần trưa, tôi tìm đến gia đình bà ở ngõ Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Năm ấy, bà Chu Thị Kim Sơn đã gần trăm tuổi nhưng vẫn hoạt bát, minh mẫn. Khi nghe con cháu bảo có khách đến từ Hải Dương, bà mừng lắm ra tận nơi đón. Bà bảo: “Với tôi, Hải Dương là một phần máu thịt. Nó gắn với những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng”.
Rồi những dòng hồi ức về chặng đường hoạt động cách mạng hào hùng trong thời kỳ hoạt động ở Hải Dương cứ thế tuôn trào. Bà kể: Năm 1939, chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở trong nước. Rất nhiều cán bộ cách mạng của ta bị kẻ thù bắt bớ, sát hại, tù đày. Nhiều cơ sở đảng bị tan vỡ. Để đối phó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI đã quyết định thành lập Mặt trận phản đế thay cho Mặt trận Dân chủ và chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Thực hiện chủ trương trên, Liên tỉnh B được thành lập và chọn Tạ Xá, xã Hợp Tiến (Nam Sách) làm trung tâm hoạt động. Thời kỳ đó, phần lớn các cơ sở cách mạng ở Hải Dương bị vỡ, chỉ còn một số cơ sở tại Nam Sách, Chí Linh. "Xứ ủy Bắc Kỳ cử tôi cùng các đồng chí Lương Khánh Thiện, Nguyễn Mạnh Hoan, Nguyễn Tân Phúc bí mật về đây hoạt động, gây dựng cơ sở. Để bảo đảm bí mật, tôi phải cải trang là thợ dệt thuê đến ở nhờ nhà một người dân tại Thanh Hà. Đói khát, khổ cực, lại bị giặc vây ráp nhưng do bà con cưu mang nên chúng tôi đã gây dựng lại được cơ sở", bà Sơn nói.
Dưới sự chỉ đạo của Liên tỉnh B, năm 1940, phong trào cách mạng ở Hải Dương nhanh chóng phục hồi và phát triển. Ngày 19.5.1940, Chi bộ Tạ Xá được thành lập. Tiếp theo là các Chi bộ Nhà máy nước Hải Dương, Chi bộ Trại Chua, Hàm Ếch (Chí Linh), Đồn Bối, Thượng Đáp (Nam Sách).
"Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Liên tỉnh B, ngày 10.6.1940, tại nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá đã diễn ra Hội nghị thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời. Liên tỉnh B đã chỉ định Ban Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương gồm các đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan, Nguyễn Tấn Phúc và tôi. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được cử làm Bí thư Tỉnh ủy”, bà Sơn nhớ lại.
Từ khi Ban Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương ra đời, phong trào cách mạng ở địa phương đã có những bước phát triển. Các cán bộ thường xuyên tổ chức rải truyền đơn, tuyên truyền binh lính địch bỏ hàng ngũ đi theo cách mạng. Bà Sơn và đồng đội thường lân la tìm cách tiếp cận binh lính địch để tìm cơ hội. "Lính khố đỏ, khố xanh ở các đồn bốt địch khá quen mặt chúng tôi. Từ đó, chúng tôi nắm được những hoạt động sẽ diễn ra của giặc để rải truyền đơn, binh vận. Có lần, tôi và một đồng chí nữ được giao nhiệm vụ lên thị xã Hải Dương để rải truyền đơn. Nắm được lịch của địch hôm đó sẽ tập luyện ngoài thao trường, đến khu vực bãi tập, chúng tôi tìm cách tiếp cận chuyện trò. Sau đó, đồng chí nữ ấy giả vờ vào trại lính đi vệ sinh nhờ rồi lấy truyền đơn giấu trong người tung ra khắp nơi. Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi bí mật rút lui", bà Sơn nói. Sau này, do bị phản bội, bà Sơn và một số đồng đội bị mật thám địch bắt. Gặp lại bà, bọn địch rất ngỡ ngàng vì đã quá quen mặt. Lần đó, mặc dù bị mật thám Hải Dương tra tấn rất dã man nhưng bà Sơn và đồng đội vẫn kiên quyết không khai.
Bà Sơn bảo mấy chục năm đã qua nhưng bà vẫn nhớ rành rọt từng nơi hoạt động cách mạng ở Hải Dương như các thôn La, Tè, Đầu, Bến (Nam Sách), chiến khu Trại Chua - Hàm Ếch - Cổ Vịt (Chí Linh), Thanh Hà, Kim Thành, Cẩm Giàng, TP Hải Dương… Rồi những cơ sở đã cưu mang, che giấu cán bộ như nhà cụ Do (thôn Tạ Xá), chị Oa (La Đôi), chị Hai (Linh Khê), cô Ngãi (Đồn Bối), ni cô (chùa Mạn Đê), ông Trương rượu (Hàn Thượng)...
Lúc còn khỏe, thỉnh thoảng bà Sơn lại về Hải Dương thăm bạn bè, đồng chí, những gia đình đã từng cưu mang hoạt động khi xưa. Trong những chuyến đi của bà có cả những lần về làm nhân chứng cho những người đã từng hoạt động, cống hiến cho Đảng, đất nước từ những ngày đen tối, những gia đình đã không ngại hiểm nguy nuôi nấng, che giấu cán bộ. Bà từng viết rất nhiều bài thơ về Hải Dương...
Nay nữ chiến sĩ lão thành cách mạng Chu Thị Kim Sơn không còn nữa, song dấu ấn của bà với sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hải Dương vẫn khắc ghi cùng lịch sử.
NGỌC HÙNG