Hằng năm, các cơ quan chức năng tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP từ tỉnh đến cơ sở và đợt nào hầu như cũng phát hiện vi phạm, trong đó có không ít cơ sở tái phạm.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm lấy mẫu rượu tại Tứ Kỳ. Ảnh: Thu Hương
Phổ biến
Triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Mậu Tuất 2018 và lễ hội xuân năm 2018, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 4.759 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua đó đã phát hiện 908 cơ sở vi phạm, cảnh cáo 76 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 79 cơ sở với tổng số tiền hơn 176 triệu đồng. Số cơ sở còn lại không xử lý mà chỉ nhắc nhở. Lỗi chủ yếu mà các cơ sở này mắc là điều kiện vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến chưa bảo đảm ATTP. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP quá thời hạn. Nhãn sản phẩm ghi không đúng quy định. Không có giấy chứng nhận đủ sức khỏe và giấy xác nhận kiến thức về ATTP của người lao động hoặc có nhưng đã quá thời hạn. Ngoài ra, người lao động không mang đầy đủ trang phục bảo hộ lao động khi tham gia chế biến. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng với tiêu chuẩn công bố. Một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tự đóng gói các sản phẩm như bánh, kẹo, hạt dưa, bí, hướng dương, các loại mứt hoa quả sấy thành các gói nhỏ đã hết hạn sử dụng hoặc không ghi nhãn đầy đủ theo quy định...
Tháng 2.2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh xử phạt hơn 4,3 triệu đồng cơ sở sản xuất thực phẩm Toan Thư ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng). Cơ sở do ông Trần Nguyễn Toan làm chủ đã sử dụng phụ gia thực phẩm Natribenzoat trong chế biến sa tế tôm ngon Thanh Phát (sản xuất ngày 21.11.2017, hạn sử dụng ngày 21.11.2019) vượt quá giới hạn cho phép. Đồng thời, nhãn sản phẩm sa tế tôm ngon Thanh Phát ghi sai tên cơ sở, địa chỉ sản xuất và số công bố phù hợp ATTP. Cơ sở sản xuất Toan Thư chuyên sơ chế và chế biến hàng nông sản thành tương gạo, dấm ăn và tương ớt. Việc sử dụng chất Natribenzoat nhiều sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, trẻ em khi ăn phải dễ bị ngộ độc. Người sử dụng lâu dài sẽ có các triệu chứng như rối loạn tổng hợp protein, thiếu chất thơm trong máu-một nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh ung thư.
Xử phạt chưa đủ sức răn đe
Toàn tỉnh có khoảng 9.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, manh mún nên việc đầu tư hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, các trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Mức độ quan tâm đến các điều kiện bảo đảm ATTP của các chủ cơ sở thường tỷ lệ thuận với quy mô sản xuất. Trong khi đó, các quy định pháp luật khi thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa đủ sức răn đe, đa số các cơ sở vi phạm về ATTP chỉ bị nhắc nhở. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tiếp tục tái diễn vi phạm. Thậm chí một số chủ cơ sở không hợp tác với đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP.
Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là vậy nhưng lực lượng quản lý công tác ATTP còn mỏng. Đối với tuyến tỉnh, đội ngũ quản lý về ATTP chỉ gồm 25 biên chế của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh. Tuyến huyện hiện chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Toàn bộ các thôn, khu dân cư không có cộng tác viên về ATTP. Việc đào tạo, nâng cao trình độ quản lý ATTP còn hạn chế, chưa có cơ chế khuyến khích học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Báo cáo của Ban Chỉ đạo về chất lượng ATTP huyện Tứ Kỳ có nêu: Ban Chỉ đạo về chất lượng ATTP ở một số xã, thị trấn hoạt động chưa tích cực, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Năng lực chuyên môn của cán bộ y tế từ huyện đến trạm y tế xã, thị trấn còn bộc lộ những hạn chế, nhất là cán bộ tuyến xã... Đây không chỉ là khó khăn, vướng mắc của riêng huyện Tứ Kỳ mà là thực trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh.
Hiện nay, các trang thiết bị kiểm soát chất lượng thực phẩm vẫn còn thiếu cả về số lượng và chủng loại. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 2 phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025 là phòng xét nghiệm thuộc Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm (Sở Y tế). Các hệ thống này chưa xét nghiệm được một số độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm, hàm lượng các kim loại nặng, thiếu các sinh phẩm để đo lường các chất mới, chưa định lượng được hàm lượng formaldehyde (phoóc môn) và methanol trong thực phẩm. Do vậy một số xét nghiệm vẫn phải gửi lên Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia mới bảo đảm yêu cầu. Kinh phí dành cho hoạt động bảo đảm ATTP ở mức thấp...
Theo bà Dương Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, ngoài việc các ngành chức năng phải tăng cường quản lý, người tiêu dùng cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, phát giác các vi phạm về ATTP.
HUYỀN TRANG