Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khiến cho nhiều lao động tử vong và bị thương.
Công nhân ngành điện diễn tập sơ cấp cứu người lao động bị tai nạn
Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ là do chủ doanh nghiệp và người lao động không quan tâm, tuân thủ, chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Những vụ tai nạn đáng tiếc
Anh Nguyễn Văn Phượng, trú tại thôn Phương Tân, xã Kim Khê (Kim Thành) là thợ hàn của Công ty Đóng tầu Hoàng Gia, trụ sở tại thôn Cổ Phục, xã Kim Lương (Kim Thành). Ngày 15-8, trong lúc anh Phượng đang hàn khoang tầu HG06 do công ty đóng mới, đường ống dẫn ga xuống khoang tàu bị vỡ, khí ga rò ra ngoài bắt lửa cháy làm anh bị bỏng nặng. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Viện Bỏng quốc gia nhưng do vết thương quá nặng nên anh Phượng đã qua đời vào ngày 29 - 8.
Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 1 - 8, lãnh đạo Công ty CP Bê tông Vinaconex Phan Vũ, trụ sở xã Phúc Thành (Kim Thành) yêu cầu anh Nguyễn Văn Thủy, cán bộ kỹ thuật của trạm trộn 30 m3/h xuống trạm kiểm tra để lên phương án sửa chữa. Do trong nội trộn có sẵn lượng đá, xi măng nên anh Thủy yêu cầu anh Vũ Đình Hiếu vận hành thiết bị để kiểm tra đồng hồ đo cân trong phòng điều khiển. Trong nồi trộn có công nhân Nguyễn Hữu Rón đang làm việc nên khi thiết bị vận hành đã cuốn anh Rón vào guồng máy, khiến anh Rón bị dập nát cơ thể và chết ngay tại chỗ.
Trước đó ít ngày, vào ngày 28 - 7, tại cơ sở chế biến thức ăn gia súc của bà Nguyễn Thị Lĩnh ở thôn Lôi Khê, xã Hồng Khê (Bình Giang) đã xảy ra nổ nồi hấp, làm 2 người chết, 1 người bị thương.
Trên đây chỉ là 3 vụ TNLĐ xảy ra gần nhất, còn tính từ tháng 11 - 2010 đến hết tháng 8 - 2011, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ TNLĐ, làm 11 người chết, 1 người bị thương và xác nhận 41 vụ TNLĐ khác dẫn đến người lao động bị thương (gần bằng cả năm 2010).
Phối hợp đồng bộ để giảm tai nạn Hằng năm, ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ.
Từ đầu năm đến nay ngành đã tiến hành 2 đợt kiểm tra theo chuyên đề, trong đó đợt 1 kiểm tra tại 15 doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ và đợt 2 kiểm tra chuyên đề về hoạt động khoáng sản, an toàn lao động tại 12 mỏ khai thác đá. Qua đó đã kịp thời nhắc nhở, xử lý những doanh nghiệp vi phạm về quy trình ATVSLĐ. Bà Bùi Thị Mai, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Qua các đợt kiểm tra, chúng tôi thấy không doanh nghiệp nào chấp hành đầy đủ quy trình, quy định về ATVSLĐ. Các doanh nghiệp chủ yếu là thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động, hoặc bảo hộ lao động không đúng quy định; không đăng ký các trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; không có biển chỉ dẫn an toàn lao động; nhiều doanh nghiệp không triển khai huấn luyện ATVSLĐ và khám sức khỏe định kỳ cho công nhân...
Để bảo đảm an toàn lao động, điều quan trọng nhất là các chủ doanh nghiệp, người lao động cần nâng cao ý thức, quan tâm hơn nữa đến công tác ATVSLĐ và chấp hành pháp luật về lao động. Chú trọng đến công tác huấn luyện ATVSLĐ cho tất cả lao động; đối với những công việc nguy hiểm, độc hại phải huấn luyện kỹ càng, cấp thẻ an toàn lao động. Trang bị đầy đủ các phương tiện, vật dụng, quần áo bảo hộ lao động. Các doanh nghiệp cần có bộ phận quản lý giám sát công tác lao động, thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tạo môi trường, điều kiện lao động tốt, thực hiện tốt các chính sách, chế độ về nguy hiểm, độc hại cho người lao động; thực hiện thời gian lao động theo đúng quy định.
Chỉ khi nào các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp và người lao động quan tâm, nâng cao ý thức về việc chấp hành đúng các quy định về ATVSLĐ mới hạn chế và giảm được các vụ TNLĐ.
Từ đầu năm 2011 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trung tâm ATVSLĐ, Cục An toàn lao động huấn luyện cho gần 500 người lao động vận hành thiết bị có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt của Công ty Xi măng Hoàng Thạch; triển khai huấn luyện ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc trong 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ theo phương pháp Wise, nhằm phòng, chống TNLĐ và bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc. Tổ chức đăng ký 78 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho 2 doanh nghiệp; thẩm định và cấp phôi thẻ an toàn cho 3.225 người lao động.
|
PV