Tháng hành động vì an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vừa được khởi động thì trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động đáng tiếc.
Ngày 3.5, một người thợ ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) trong khi khoan thùng phuy thì thùng phát nổ làm anh này ngã đập đầu ra phía sau tử vong.
Ngày 10.5, 3 anh em trong một gia đình ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc) đã chết do bị ngạt khí khi xuống hầm biogas của nhà để sửa chữa và cứu nhau.
Tháng 7 năm ngoái vụ sập lò vôi ở huyện Kinh Môn làm 5 người chết cũng làm dư luận xôn xao.
Hầu hết những cái chết thương tâm đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về các nguyên tắc bảo đảm an toàn lao động.
Ở các nhà máy, xí nghiệp, công tác tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn về bảo đảm an toàn cho người lao động được thực hiện bài bản hơn. Các doanh nghiệp đều quan tâm trang bị các phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động cho công nhân khi làm việc. Việc vận hành đúng quy trình, bảo đảm an toàn lao động được coi là nguyên tắc quan trọng buộc mọi người phải tuân theo. Vì thế, nguy cơ xảy ra tai nạn cũng giảm và thực tế số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong khu vực này cũng ít hơn.
Với lao động tự do thì khác. Họ có thể là những người thợ xây, thợ hàn, thợ trộn bê tông không chuyên hay đơn giản là người nông dân khi cần thì làm việc của các anh thợ sửa chữa trong gia đình. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được truyền cho nhau theo lối cầm tay chỉ việc. Và họ thực sự chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo đảm an toàn cho mình khi lao động.
Thợ xây làm việc trên giàn giáo cao nhưng không dùng dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm. Thợ hàn có thể tính đến việc bảo vệ đôi mắt, đôi tay khi hàn, khi cắt... nhưng lại không tính đến rủi ro do những vật dụng mà mình định cắt, hàn mang lại. Ví như những người cưa bom ở Hà Nội năm trước đã không lường trước được việc quả bom phát nổ khi bị cưa, hay 3 anh em trai ở xã Gia Xuyên không hiểu được với hầm biogas nếu không xả hết khí gas trước khi xuống thì bị ngạt khí là điều không tránh khỏi... Những kiến thức ấy, nếu người lao động không tự trang bị cho mình, không tự tìm hiểu trước khi bắt tay vào công việc thì chuyện gặp rủi ro rất dễ xảy ra.
Năm nay, Tháng hành động vì ATVSLĐ lần đầu tiên được phát động với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Vậy ai sẽ là người huấn luyện ATVSLĐ cho lao động tự do?
Mỗi người lao động trước khi bắt tay vào công việc, thử sức với một nghề mới, việc làm mới nên học các quy tắc, các kỹ năng bảo vệ an toàn lao động đầu tiên, rồi mới đến các kỹ năng nghề nghiệp khác. Học từ kinh nghiệm của những người đi trước và từ sách, báo, thông tin trên internet trong thời đại của công nghệ số như hiện nay.
Khi người lao động tự do có ý thức bảo vệ mình tránh tai nạn rủi ro và mắc bệnh nghề nghiệp thì họ cũng hình thành ý thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của những người xung quanh. Ngoài ý thức của cá nhân, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… có thể phối hợp với các ngành chuyên môn như khuyến nông, dạy nghề… tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho đoàn viên của mình; phát hành tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn bảo đảm ATVSLĐ theo từng lĩnh vực nghề nghiệp. Cơ quan lao động cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành và có biện pháp xử lý nghiêm với đối tượng cố tình vi phạm. Chính quyền các địa phương cũng cần thường xuyên "để mắt" đến việc này.
HOÀI ANH