Những ngày này, người dân ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) đang thu hoạch rươi chính vụ. Năm nay, người dân phấn khởi hơn khi sản lượng cũng như giá bán đều cao hơn năm trước.
Người dân An Thanh thu hoạch lứa rươi thứ hai với sản lượng và giá bán đều cao hơn so với vụ trước
Được mùa, được giáTháng 9, 10 và 11 âm lịch hằng năm được coi là “mùa vàng” của An Thanh vì đây là thời gian người dân thu hoạch rươi. Cả năm trời vất vả, chăm sóc cho những bãi rươi, bà con chỉ mong đến ngày gặt hái thành quả. Những ngày này, người dân đang thu hoạch lứa rươi thứ hai. Khắp các ngả đường xuống khu bãi, đâu cũng bắt gặp những chiếc xe tải chở thùng xốp, xe máy đỗ san sát bên đường, thương lái khắp nơi đổ về thu mua.
Anh Phan Văn Thắng là người có kinh nghiệm và kỹ thuật khai thác rươi của xã. Nhà anh có trên 5 mẫu ruộng "nuôi rươi". Năm ngoái, gia đình anh thu hoạch được 7 tạ, năm nay mới thu hoạch lứa rươi tháng 9 (âm lịch) cũng đã được 2 tạ. Lứa rươi tháng 10 âm lịch này, các ruộng rươi của gia đình mới bắt đầu thu hoạch nhưng khi thăm ruộng rươi, quan sát có nhiều lỗ, lỗ đều, xắn đất lên thấy nhiều rươi, rươi to khỏe và đẹp, vợ chồng anh tự tin: “Cầm chắc cũng khoảng 1 tấn, tăng khoảng 3 tạ so với năm ngoái".
Gia đình ông Phạm Đình Hiểu có 4 mẫu ruộng rươi mới đấu thầu từ năm ngoái. Nếu năm trước, gia đình ông Hiểu chỉ thu được 2,5 tạ thì năm nay ước đạt 7 tạ. Theo kinh nghiệm của những người làm rươi, những bãi mới đưa vào khai thác thì sản lượng sẽ tăng dần vào các năm sau, đến một mức độ nhất định sẽ dừng lại và duy trì ở đó. Tuy nhiên, sản lượng tăng cao như nhà ông Hiểu là trường hợp đặc biệt. “Với 4 mẫu thu hoạch năm thứ hai như nhà ông Hiểu thường chỉ đạt ở mức 4 tạ, không ngờ năm nay rươi lại nhiều đến thế. Còn lứa rươi tháng 11 nữa ông Hiểu nắm chắc phần thắng”, một người dân trong xã nói.
Diện tích, sản lượng và giá rươi ở An Thanh năm nay đều tăng so với năm ngoái. Thời điểm này năm ngoái, giá rươi bán buôn tại ruộng là 470.000 đồng/kg thì năm nay ở mức 520.000 đồng/kg. “Phấn khởi lắm cô ạ. Năm ngoái, nhà tôi thu được 2,5 tạ, thu được hơn 100 triệu đồng. Năm nay nếu giá rươi cứ ổn định như thế này, tôi phải thu được hơn 360 triệu đồng", ông Hiểu nói.
Bí quyết tăng giá trịNhững năm trước, người dân mới chỉ chủ động trong việc tăng diện tích và kỹ thuật canh tác rươi nhưng chưa chú ý đến việc thu hoạch thế nào để tăng giá trị. Mỗi gia đình có diện tích khai thác rươi tập trung thành một khu bãi rộng lớn và chỉ có 1 cống thoát nước. Nhiều gia đình thu hoạch cùng một thời điểm sẽ dẫn tới số lượng quá nhiều, thương lái dễ ép giá. Ông Phạm Ngọc Văn, người dân xã An Thanh cho biết: “Ngày đó, vừa háo hức vì lượng rươi thu được nhiều, rươi lại to ngon, tôi nghĩ phải được giá lắm. Nhưng tới lượt mình bán thì giá từ 400.000 đồng/kg xuống chỉ còn 350.000 đồng/kg vì bà con thu hoạch nhiều quá. Nghĩ mà tiếc của, tiếc công”.
Rút kinh nghiệm, năm nay người dân An Thanh chủ động trong khâu thu hoạch, thống nhất không thu ồ ạt mà luân phiên để giữ giá ổn định. “Chúng tôi phân chia cả khu bãi lớn trước kia của gia đình mình thành 3 - 4 khu nhỏ. Mỗi khu, chúng tôi xây 1 chiếc cống để chủ động trong việc thu hoạch. Đến nước rươi, chúng tôi luân phiên thu hoạch theo hộ và trong mỗi hộ lại thu theo từng khu nhỏ nhằm giãn thời gian để tăng giá bán”, bà Phạm Thị Hòa chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Nhương, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thanh, hiện vùng bãi ngoài đê của xã có gần 60 mẫu khai thác rươi. Bình quân mỗi năm, người dân An Thanh thu được từ 5 - 6 tấn rươi, với giá cao như hiện nay sẽ đạt doanh thu từ 2,6 đến trên 3,1 tỷ đồng/năm. Rươi là loại thủy sản hoàn toàn sống tự nhiên ở vùng nước lợ, không ai nuôi được nhưng để cho năng suất cao thì ngoài yếu tố thiên nhiên ưu đãi, con người phải tạo môi trường đất, nước sạch cho chúng sinh trưởng và phát triển. Người dân chỉ nên cấy vụ chiêm, bỏ vụ mùa. Khi chăm bón cho cây lúa thì chỉ được dùng phân hữu cơ, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân vô cơ. Có như thế thì đất mới tơi xốp, không bị ô nhiễm, rươi mới sinh trưởng và phát triển tốt.
LÊ HƯƠNG