Nhiều năm nay, xã An Thanh (Tứ Kỳ) luôn là địa phương đi đầu trong trồng cây của huyện, không chỉ tạo cảnh quan môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây.
Năm nay, xã An Thanh vận động người dân trồng hơn 6.000 cây phân tán
Tô điểm làng quê
Đến Trường THCS An Thanh vào những ngày này, không khí trồng cây mùa xuân ở đây diễn ra sôi nổi. Để hưởng ứng Tết trồng cây, trường xây dựng "công trình măng non", cải tạo cảnh quan, dọn sạch cỏ dại mọc um tùm trong trường để trồng hoa, cây bóng mát. Ông Nguyễn Trường Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường đã thuê máy xúc làm đất và mua 140 xe đất màu để trồng 1.000 cây xanh trong khuôn viên trường, chủ yếu là cây keo, sấu, bằng lăng. Ngoài ra, Liên đội nhà trường còn phát động phong trào Mỗi chi đội trồng một luống hoa. Xen kẽ những hàng cây, nhà trường đưa các mảng hoa, cỏ xanh vào trồng nhằm tạo cảnh quan sạch, đẹp. Sau mỗi giờ học, các học sinh và thầy cô giáo trong trường đều có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây xanh".
Cây xanh không chỉ được trồng tại trường học, nhà văn hóa, nghĩa trang mà còn được trồng ở triền đê, bờ sông và hai bên đường của xã. Ngoài cây ăn quả, người dân địa phương còn trồng cây bóng mát để tạo cảnh quan xanh, đẹp cho làng quê. Ông Phạm Đình Sao ở thôn An Định chia sẻ: "Đường làng, kênh mương ở thôn tôi đều rợp bóng những hàng dừa, hàng keo cao vút. Không chỉ đem lại không khí trong lành mà những ngày hè oi bức có chỗ để chúng tôi nghỉ ngơi khi đi làm đồng về".
Người dân ở thôn An Định tận dụng các khu đất trống trồng cây dược liệu, cây ăn quả. Theo ông Phạm Văn Cường, Trưởng thôn An Định, 5 năm gần đây, mỗi năm thôn đều trồng 1.500-2.000 cây, vượt từ 500-1.000 cây so với chỉ tiêu được giao. Năm nay, sau khi được xã phát động trồng cây, thôn đã cử người tìm hiểu thực tế và xây dựng kế hoạch trồng cây bóng mát ở khu vực nghĩa trang. Thôn còn vận động mỗi gia đình trồng từ 1-2 cây xanh. Ngoài trồng cây bóng mát, người dân trong thôn cũng tích cực cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên trồng cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như chuối tây, cây đinh lăng tại bãi đê, vườn nhà.
Chăm sóc, bảo vệ cây
Trồng cây mang lại lợi ích thiết thực song việc chăm sóc, bảo vệ lại không hề dễ dàng. Ông Cường cho biết thêm thôn rất quan tâm đến việc chăm sóc và chọn địa điểm trồng. Bởi nếu trồng mà không được cắt tỉa, chăm sóc thì cây khó sống được. Thôn đã giao trách nhiệm cho từng đoàn thể gắn với các tuyến đường tự quản, trong đó Đoàn Thanh niên là lực lượng nòng cốt. Những cây xanh cằn cỗi, sâu bệnh hoặc cây bị chết sẽ được thay thế, trồng mới. Năm nay thời tiết thuận lợi, thôn đẩy nhanh tiến độ trồng cây và có định hướng việc chăm sóc cây.
Theo ông Phạm Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã An Thanh, hằng năm, sau khi nhận được chỉ tiêu trồng cây do huyện phân bổ, xã phát trên loa truyền thanh nhằm tuyên truyền, vận động người dân hiểu về ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc trồng cây. Xã đều đặn tổ chức hội nghị tổng kết về trồng cây để rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch trồng cho những năm tiếp theo. Nhờ vậy, xã An Thanh luôn vượt kế hoạch trồng cây hằng năm. Mỗi năm, xã trồng mới từ 6.000-7.000 cây, trong đó 60% là cây ăn quả, vượt từ 30-40% so với chỉ tiêu được giao. Năm nay, xã vận động người dân trồng hơn 6.000 cây ăn quả, cây lấy gỗ, bóng mát, cải tạo vườn tạp, khu chuyển đổi, bãi bồi ven sông để trồng thêm cây chuối tây, cây đinh lăng cho hiệu quả kinh tế cao.
PV