Trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, trong ký ức của nhiều cựu chiến binh còn in đậm nhiều cái Tết thiếu thốn nhưng háo hức trước trận đánh, những chiến dịch lịch sử không thể nào quên của dân tộc.
Các cựu chiến binh ôn lại ký ức về những lần ăn Tết sớm ở chiến trường
Chuẩn bị Tết, chuẩn bị chiến đấu
Từng trải qua 10 cái Tết ở chiến trường miền Nam, ông Nguyễn Văn Thùy, sinh năm 1944, ở thôn Văn Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) không thể nào quên những lần ăn Tết sớm trong thiếu thốn khi ấy. Nhập ngũ đầu năm 1963, cuối năm, ông được điều về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95A, giúp nước bạn Lào. Từ năm 1964-1975, ông chiến đấu tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên... Nhiều năm liền, quân ta mở các cuộc tấn công lớn vào dịp Tết để tạo bất ngờ cho địch nên chuẩn bị Tết cũng là chuẩn bị chiến đấu, ăn Tết cũng phải khẩn trương. Một trong số đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Tháng 6.1967, đơn vị của ông từ tỉnh Phú Yên hành quân lên Gia Lai nhận quân huấn luyện, trên đường về Đông Nam Bộ đã chiến đấu ở tỉnh Quảng Đức (nay thuộc Đắk Nông). Khoảng tháng 10, tháng 11, đơn vị nhận lệnh hành quân về tỉnh Đồng Nai, chuẩn bị ăn Tết sớm. Lúc này, ông và đồng đội vẫn chưa biết việc này nhằm chuẩn bị để tấn công vào thị xã Biên Hòa đúng dịp Tết, cùng với các lực lượng khác thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
Dù được lệnh ăn Tết sớm nhưng khẩu phần ngày Tết cũng như ngày thường, không có gì thay đổi với gạo, lương khô, đồ hộp, số lượng vẫn thiếu thốn. Đơn vị phải liên hệ với người dân để mua gạo, mua cá về rang thật mặn với muối chia cho các chiến sĩ. Phải bảo đảm giữ bí mật nên việc liên hệ với người dân để mua thực phẩm khó khăn, những người lính phải chia nhau từng lon gạo. Đóng quân trong rừng nên ông Thùy và các chiến sĩ tận dụng chuối, lá giang, lá bép, khoai nước... làm rau.
Gian khổ là vậy song ông Thùy và các đồng đội đều sẵn sàng lên đường chiến đấu bất cứ khi nào có lệnh. Tết Mậu Thân năm đó, hòa cùng khí thế tiến công và nổi dậy ở toàn miền Nam, đơn vị của ông Thùy đã tấn công vào thị xã Biên Hòa, góp phần tạo tiếng vang lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, khiến giặc Mỹ khiếp sợ.
Ăn Tết sớm 2 tháng
Nhập ngũ khi mới 18 tuổi, tháng 3.1970, chàng thanh niên Đỗ Xuân Bình, sinh năm 1952, ở thôn Chùa, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) trở thành lính thông tin của Bộ Tư lệnh B3 Tây Nguyên với nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển thư, điện mật, hỗ trợ thông tin trong các trận đánh. Nhiều năm ăn Tết ở chiến trường nhưng đến nay ông Bình nhớ nhất hồi Tết Ất Mão 1975. Năm ấy, đơn vị thông tin của ông Bình nhận lệnh ăn Tết sớm 2 tháng để chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên. Lúc này, Bộ Tư lệnh B3 Tây Nguyên đóng ở khu vực ngày nay thuộc tỉnh Kon Tum. Việc ăn uống, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ vẫn còn rất gian khổ, mỗi chiến sĩ được 80g gạo/bữa, không có gạo thì thay thế bằng đỗ đỏ. Thức ăn là thịt hộp, thịt xay... nhưng rất hiếm. Trung đoàn tăng gia nuôi lợn, trồng rau, trồng sắn nhưng số lượng rất ít. Người lính thường xuyên phải chặt cây bống báng, đào măng làm rau, đánh bẫy thú rừng để tự cải thiện. Thiếu thốn đến nỗi khi được phát thuốc sốt rét, ông Bình và những người khác thường giữ lại không dám dùng, chịu đựng cơn sốt rét hành hạ để đổi thuốc cho người dân địa phương lấy lương thực, thực phẩm.
Nhận lệnh ăn Tết sớm, trung đoàn đã mổ lợn chia cho các đơn vị. Tiểu đội của ông Bình có 12 người, mỗi người được chia khoảng 2 lạng thịt, cả tiểu đội được 1 khúc lòng lợn dài khoảng 20 cm. Các chiến sĩ ở tiểu đội quyết định nấu thịt lợn với măng, thái thật nhỏ lòng nấu với sắn để cả tiểu đội ăn chung. "Cả năm mới được bữa tươi nên ai cũng phấn khởi, lúc đó tôi thấy miếng thịt ngọt như đường, sắn nấu với nước lòng đậm đà hơn hẳn khúc sắn luộc suông ngày thường. Vừa ăn uống chúng tôi vừa chuyện trò về cái Tết đầm ấm ở quê nhà với bánh chưng, thịt kho đông, hội làng. Bữa cơm đón Tết vì thế mà càng ấm cúng", ông Bình nhớ lại.
Ngay sau bữa cơm này, ông Bình đi theo đơn vị bộ binh hành quân xuống khu vực tỉnh Đắk Lắk ngày nay, âm thầm chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.
VIỆT QUỲNH