Đã 5 tháng trôi đi kể từ khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri (người thay thế Osama bin Laden) ở Afghanistan, nhưng tổ chức khủng bố này vẫn chưa xác nhận cái chết của al-Zawahiri hoặc công bố thủ lĩnh mới.
Ẩn số về cái chết của thủ lĩnh
Vào đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các lực lượng vũ trang Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) phóng hai tên lửa tấn công nơi trú ngụ của al-Zawahiri tại thủ đô Afghanistan, khiến trùm khủng bố này tử vong.
Nhưng các đơn vị tuyên truyền của Al-Qaeda vẫn tiếp tục phát đi các thông điệp ghi âm hoặc video không ghi ngày tháng của al-Zawahiri - người đã lãnh đạo nhóm sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011.
Hans-Jakob Schindler, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dự án chống chủ nghĩa cực đoan (Mỹ), cho biết: “Điều này thực sự kỳ lạ. Cần một nhà lãnh đạo để mạng lưới hoạt động. Cần cần một người để mọi thứ thống nhất”.
Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), Zawahiri không cố gắng bắt chước uy tín và ảnh hưởng của bin Laden sau khi tiếp quản Al-Qaeda nhưng ông đóng vai trò quan trọng trong việc phân cấp nhóm. Al-Qaeda ngày nay khác xa với nhóm đã thực hiện vụ tấn công ngày 11.9.2001. Al-Qaeda có các nhóm tự quản rải rác khắp Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á, ít phụ thuộc vào thủ lĩnh hơn trước đây về hoạt động, tài trợ và chiến lược.
Hai nhà nghiên cứu Raffaello Pantucci và Kabir Taneja vào đầu tháng 12/2022 đã viết trên trang web Lawfare: “Tất nhiên có thể Mỹ đã sai về cái chết của al-Zawahiri. Nhưng điều này dường như khó xảy ra, dựa trên sự tự tin mà Tổng thống Biden đã công khai nói về cuộc tấn công".
Người kế nhiệm ẩn náu?
Một khả năng khác là Al-Qaeda cho đến nay vẫn chưa liên lạc được với người kế nhiệm nhiều tiềm năng nhất của al-Zawahiri, đó là nhân vật có biệt danh Saif al-Adl hay "thanh gươm công lý". Saif al-Adl là cựu trung tá lực lượng đặc nhiệm Ai Cập, đã chuyển sang chủ nghĩa thánh chiến vào những năm 1980. Các nhà quan sát cho rằng ông ta đang ở Iran. Saif al-Adl cũng có thể đã chết hoặc đang lẩn trốn để tránh lặp lại số phận của người tiền.
Barak Mendelsohn, một chuyên gia về Al-Qaeda tại Mỹ, nhận định thật khó để biết tại sao nhóm này lại dành thời gian để công bố thủ lĩnh mới.
"Sự chờ đợi phản ánh tầm quan trọng hạn chế của đầu não Al-Qaeda. Đó là một biểu tượng thống nhất các nhóm xuyên biên giới, nhưng mức độ liên quan hoạt động lại thấp", ông Barak Mendelsohn nói.
Trong khi đó, ông Tore Hamming tại Trung tâm Nghiên cứu Cực đoan hóa Quốc tế (Anh) cho biết Al-Qaeda không nhất thiết phải có một thủ lĩnh mang tính biểu tượng để phát biểu nhân danh tổ chức này. Ông lập luận: “Chúng ta đã chứng kiến điều này tại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kể từ năm 2019, điều đó không nhất thiết quan trọng”.
Ông Tore Hamming đề cập rằng IS đã bầu ra các lãnh đạo mới, nhưng "không ai biết họ là ai và chưa bao giờ nghe tin tức gì từ họ. Tuy nhiên, các nhóm chân rết vẫn trung thành với IS”.
"Đối với Al-Qaeda, điều đó cũng có thể xảy ra, chỉ với một hội đồng gồm các nhân vật cấp cao đóng vai trò của thủ lĩnh”, ông Hamming bổ sung.
Theo Báo Tin tức