Ăn nên làm ra từ nghề sửa chữa, đóng tàu

19/10/2022 13:31

Nhiều cơ sở đang ăn nên làm ra ngay trên mảnh đất quê hương, tạo việc làm cho nhiều lao động.


Cơ sở sửa chữa, đóng tàu của ông Trương Văn Tự tạo việc làm cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng


Nối tiếp nghề truyền thống của cha ông, một số người dân ở xã Minh Hòa (Kinh Môn) đã đầu tư nhà xưởng, máy móc để gây dựng nên những cơ sở sửa chữa, đóng tàu. Những cơ sở này ăn nên làm ra ngay trên mảnh đất quê hương, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.  

Vợ chồng bà Phạm Thị Thơm và ông Bùi Văn Quyền ở thôn Ngoại đã gây dựng xưởng sửa chữa, đóng tàu hơn 5 năm nay. Số vốn ban đầu để bỏ ra đầu tư nhà xưởng và trang bị máy móc hơn 15 tỷ đồng. Bà Thơm cho biết: "Mỗi khi giao tàu cho xưởng, khách hàng thường trao đổi về những vấn đề bất thường, lỗi mà con tàu đang gặp phải. Căn cứ vào đó, chúng tôi có những cách sửa chữa phù hợp, có thể là "vá", "ốp" tàu, thay hệ thống la-canh, bánh lái...". Việc sửa chữa tàu không chỉ cần những người thợ lành nghề mà còn phải tận tâm bởi đây là công việc đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ. Dù làm chi tiết nhỏ nhất vẫn phải bảo đảm chất lượng, uy tín vì chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình làm nghề cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Căn cứ vào tình trạng hỏng hóc, thời gian sửa chữa mỗi con tàu nhanh thì mất 4-5 ngày, lâu hơn phải mất vài tháng. Ngoài việc sửa chữa, xưởng nhà bà Thơm còn nhận đóng tàu theo đơn đặt hàng. Cơ sở của gia đình bà Thơm đang tạo việc làm cho khoảng 15 lao động với mức thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống sửa chữa, đóng tàu thuyền, ông Trương Văn Tự (cùng ở thôn Ngoại) cho rằng "nghề đã chọn người". Năm 1998, ông Tự bắt tay vào gây dựng xưởng. Do bố mẹ ông Tự chỉ đóng tàu gỗ, để bắt kịp với sự phát triển, ông Tự đã học hỏi kinh nghiệm đóng tàu sắt từ anh em, bạn bè. Những ngày đầu khởi nghiệp, ông Tự gặp nhiều khó khăn về vốn, máy móc nên chỉ nhận đóng những chiếc tàu nhỏ khoảng 1,5 tấn. Những khó khăn về vốn, mặt bằng để gây dựng cơ sở dần dần được ông Tự khắc phục. Ông mạnh dạn vay vốn để cải tạo mặt bằng, xây dựng xưởng, đầu tư chi phí trang bị nhiều loại máy móc như xe nâng, máy xúc... Cùng với kinh nghiệm đúc kết, tay nghề nâng cao, hiện nay, xưởng của ông có thể đóng những con tàu có trọng tải khoảng 2.000 tấn. 

Ông Tự cho rằng khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ và thay đổi từng ngày, đòi hỏi những người làm nghề sửa chữa, đóng tàu không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm. Việc tiếp thu những kiến thức chuyên môn hiện nay cũng rất thuận lợi khi internet, công nghệ phát triển. Ông cũng dành nhiều thời gian để truyền lại kinh nghiệm quý báu cho những lao động đang làm việc tại xưởng của gia đình. Mỗi năm xưởng của ông Tự đóng từ 1-2 con tàu. 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xưởng tập trung vào việc sửa chữa. Tại xưởng của ông có khoảng 10 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Tự, một trong những điều quan trọng nhất đối với nghề đóng và sửa chữa tàu là sự tận tâm. Chính nhờ sự tận tâm mà cơ sở của ông đã tạo được uy tín, được nhiều người ở các địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh... biết đến. Mỗi năm, gia đình ông Tự thu lãi khoảng 500 - 700 triệu đồng từ việc sửa chữa, đóng tàu. 

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, nghề sửa chữa, đóng tàu ở địa phương đã có cách đây vài chục năm. Hiện trên địa bàn xã có 11 cơ sở làm nghề này, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và một số xã, phường lân cận. Cùng với sự học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên các cơ sở có thể sửa chữa, đóng những con tàu có trọng tải lớn.

HT 

(0) Bình luận
Ăn nên làm ra từ nghề sửa chữa, đóng tàu