Từ khi xây xong nhà mới, được ra ở riêng, tách khỏi bố mẹ chồng, Ngọc cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết.
Lúc này Ngọc mới cảm nhận được “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thích mặc gì, ăn gì, ngủ đến khi nào dậy hoặc đi dâu chơi, khi nào về... Ngọc không còn phải báo cáo hay xin phép bố mẹ chồng như trước nữa. Ngọc tận hưởng cái cảm giác được ăn món mình thích, ăn ít hay ăn nhiều cũng không còn phải giữ ý, không phải ngó trước nhìn sau thăm dò người khác. Ngọc được làm chủ gia đình, làm chủ căn bếp và Ngọc cho rằng được tự quyết trong chuyện ăn uống là niềm hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ.
Đợt này, dịch Covid-19 căng thẳng. Chồng Ngọc ở lại cơ quan để giữ an toàn cho ba mẹ con vì cơ quan anh có nhiều người bị nhiễm bệnh. Ngọc làm hành chính nên buổi sáng thích ngủ nướng thì ăn sáng qua loa, khi bắp ngô, củ khoai hay quả trứng luộc, thậm chí có hôm cô chỉ uống tách cà phê cũng xong bữa sáng. Buổi trưa về muộn nên Ngọc chỉ nấu qua loa xong. Điệp khúc ấy khiến hai đứa trẻ rất ngao ngán. Bữa tối thì cô không ăn tinh bột để giữ eo, làm đẹp nên chỉ ăn salad với ít thịt, đỡ tốn công chế biến. Cô vốn vụng về chuyện nấu ăn, trước kia ở chung với bố mẹ chồng thì mẹ chồng đạo diễn bếp núc là chính. Cô thích ăn đơn giản nhưng bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, không thể ăn uống kiểu “công thức làm đẹp” của mẹ chúng được. Thỉnh thoảng, ông bà nội đảo qua nhà, thấy hai cháu nhăn nhó kêu đói bụng thì thương tình rủ sang ông bà ăn cơm. Ngọc biết vậy càng mừng vì từ nay cô thêm rảnh, buổi trưa hết giờ làm cô đỡ phải vội vội vàng vàng về nấu cơm cho ba mẹ con nữa. Tính Ngọc vốn lười, đỡ nấu nướng, đỡ rửa bát, có thời gian lướt Facebook và xem phim thì còn gì bằng nên có bố mẹ chồng lo cơm nước cho các con thì cô vui lắm.
Không biết hai đứa nhỏ kể gì với ông bà nội mà mẹ chồng Ngọc sang tận nhà, bắt gặp cô đang ngồi ăn trưa một mình, vừa ăn vừa xem ti vi, trước mặt là đĩa thịt bò hấp và hai củ khoai lang. Bà sửng sốt: “Sao con lại ăn uống thế này? Làm sao mà đủ chất được. Từ nay con sang ăn cùng bố mẹ và bọn trẻ cho vui. Mẹ nấu cơm canh cho, con cứ đi làm về là sang ăn thôi”. Ngọc nhất quyết từ chối với lý do cô đang ăn kiêng. Thực chất thì cô không thích ăn chung với bố mẹ chồng, không thích những món ăn cầu kỳ mà mẹ chồng chế biến, không thích phải rửa một đống bát đĩa với nồi niêu xoong chảo ngập trong bồn. Cô thích ăn một mình, có hôm ăn hoa quả trừ bữa đến thỏa nỗi thèm thì thôi.
Mỗi khi gia đình quây quần tổ chức ăn uống, Ngọc cũng thường kiếm cớ để không phải sang nhà bố mẹ chồng ăn chung, dù hai nhà cách nhau có một quãng. Ngọc đưa ra toàn những lý do chính đáng. Khi thì Ngọc bảo mình là F1, cần ở nhà cách ly. Khi thì Ngọc nói mình bị nhiệt miệng, chỉ ăn cháo hoặc uống sữa được thôi. Ngọc không quan tâm đến thái độ, cảm xúc của bố mẹ chồng. Việc chăm con ăn uống, Ngọc cũng để bố mẹ chồng lo hết.
Mấy hôm nay, Ngọc thấy trong người khó chịu, mặc hai cái áo khoác mà vẫn rét từ trong người rét ra, đầu đau nhức, ngạt mũi, họng rát, thỉnh thoảng lại ho tức ngực. Ngọc bèn test nhanh Covid-19 thì cho kết quả dương tính. Lúc biết mình nhiễm bệnh, Ngọc cũng hoang mang nhưng nghe đồng nghiệp từng bị Covid-19 đã khỏi bệnh tư vấn và trấn an, Ngọc tự cách ly điều trị ở nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Mồm miệng trở nên đắng ngắt, mất cả mùi vị nên Ngọc chẳng thiết ăn uống gì. Người đau nhức, rã rời, muốn vào bếp nấu bát cháo cũng cảm thấy khó khăn. Cửa nhà Ngọc dán giấy đỏ, cảnh báo nhà có người nhiễm Covid-19 nên cũng không ai đến giúp được. Chồng thì ở cơ quan không về, hai đứa trẻ sơ tán hẳn sang ông bà nội. Ngọc nằm một mình, nghĩ tủi thân mà ứa nước mắt.
Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, thèm được nghe tiếng cười đùa, chí chóe của hai con thì bỗng chuông điện thoại reo. “Mẹ nấu cháo sườn ngon lắm, con cố gắng ăn nhiều vào cho mau khỏi nhé. Mẹ để ở cửa đấy. Cố lên con nhé!”. Ngọc xúc động nghẹn ngào: “Con cảm ơn mẹ”. Mở cửa ra, Ngọc thấy mẹ chồng tiếp tế cho cô bao nhiêu là đồ ăn, đồ uống ở ngoài cửa.
Ngồi ăn một mình trong lúc ốm đau, Ngọc mới thấm thía thế nào là cô đơn, là buồn tủi. Ngọc tự thấy mình ứng xử với bố mẹ chồng còn thiếu sót trong suốt thời gian qua. Bây giờ cô thèm cái không khí gia đình hơn bao giờ hết. Cô chỉ mong mình nhanh khỏi bệnh để được quây quần cùng cả nhà trong những bữa ăn ấm cúng.
TRẦN THỊ LÀNH