Đời sống văn hóa

Ấn, kiếm thời vua Khải Định

Theo VnExpress 25/08/2023 14:15

100 cổ vật như kim sách bằng bạc mạ vàng, bộ ấn, kiếm và một số đồ dùng trong hoàng cung thời vua Khải Định được trưng bày tại TP Huế, ngày 24.8.

Triển lãm "Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế" do Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức tại điện Long An nhân kỷ niệm 100 năm thành lập bảo tàng này

Tháng 8.1923, vua Khải Định đã ban chiếu thành lập bảo tàng mang tên Musée Khải Định với “nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống kinh tế, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”. Nhà vua đã cho dùng điện Long An làm nơi trưng bày chính của bảo tàng.

Trải qua biến thiên của lịch sử, bảo tàng đã nhiều lần được thay đổi tên gọi: Tàng cổ viện, Viện Bảo tàng Huế, Bảo tàng Cổ vật Huế; Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế… Từ năm 2007 đến nay, bảo tàng có tên gọi là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế.

Triển lãm trưng bày 100 cổ vật tiêu biểu, như kim sách bằng bạc mạ vàng, bộ ấn, kiếm và một số đồ dùng trong hoàng cung thời Khải Định

Nổi bật là thanh kiếm "An dân bảo kiếm" của nhà vua từng sử dụng. Kiếm được nạm vàng và da đồi mồi, dài khoảng 90 cm, chạm khắc hình rồng tinh xảo.

Chuôi kiếm nạm vàng, chạm khắc chữ và hoa văn rồng, thể hiện uy quyền của nhà vua
Kim sách dưới triều vua Khải Định, một loại thư tịch cổ ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều Nguyễn. Sách gồm 9 tờ, 2 tờ bìa trước và sau được trang trí hình rồng mây, 7 tờ ruột khắc sách văn.
Ấn Khải Định thần khuê bằng ngà voi, được khắc năm Khải Định thứ nhất 1916
Ấn Hoàng tông tuyên hoàng đế chi bảo được đúc năm Khải Định thứ 10, 1925
Ngai triều Nguyễn được sơn son thếp vàng
Chén ngọc bọc vàng được sử dụng dưới thời vua Khải Định
Mâm và bình đựng rượu bằng vàng
Hộp bạc được chế tác hình rồng
Lư xông trầm bằng bạc được khắc hình rồng, nghê chế tác dưới thời vua Khải Định. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 23.11

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 11.000 hiện vật, trong đó có 8 hiện vật, bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây cũng là nơi tổ chức trưng bày tái hiện không gian nguyên thuỷ các công trình kiến trúc tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Huế; tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh khu di sản Huế…

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Ấn, kiếm thời vua Khải Định