Chuyện mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại những lò giết mổ gia súc, gia cầm đang khiến nhiều người lo ngay ngáy.
Cơ sở giết mổ của bà Nguyễn Thị Nụ ở thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) bị bắt quả tang
tàng trữ, kinh doanh một lượng lớn thực phẩm bẩn
Thâm nhập lò mổ12 giờ đêm, trong vai đại diện một đơn vị cung cấp thức ăn cho công nhân lao động, chúng tôi có mặt tại một cơ sở giết mổ gia cầm ở thôn Trụ, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Gần 20 người với trang phục áo mưa, chân đi ủng, khẩu trang bịt kín mặt đang tất bật với công việc thường ngày của họ. Đây là điểm giết mổ gà có quy mô khá lớn đã hoạt động hơn 10 năm nay. Hằng ngày, cơ sở này làm thịt hàng nghìn con gà để đưa đến các bếp ăn phục vụ công nhân lao động tại các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sự bừa bộn, nhốn nháo xen lẫn mùi tanh nồng từ chất thải đổ trên sàn nhà. Xưởng chế biến có diện tích chừng 1.000 m2 được chia làm 2 khu nhỏ. Khu nhà cấp 4 xập xệ là kho nhốt gà sống. Phía ngoài sân là điểm giết mổ, tập kết gà trước khi cung cấp cho khách hàng. Mỗi người được phân công một nhiệm vụ. Đàn ông thì bắt gà và giết thịt. Đàn bà chịu trách nhiệm làm lông, mổ lấy nội tạng và xếp hàng.
Quy trình làm thịt một chú gà ở đây thật nhanh và gọn. Gà bắt ra khỏi lồng được đưa ngay vào mấy cái phễu làm bằng kim loại để cắt tiết. Với chỉ một nhát dao sắc gọn, con gà đã không thể giãy giụa. Sau đó, chúng được chuyển sang công đoạn vặt lông. Một chậu nước sôi được chuẩn bị sẵn để nhúng gà trước khi cho vào máy quay. Nhìn chậu nước sôi sủi bọt, chúng tôi dò hỏi: “Chị có cho thêm chất gì không mà làm lông nhanh vậy?”. Luôn miệng thúc nhân viên khẩn trương, bà chủ cơ sở đáp: “Các chú yên tâm. Bọn chị làm bao nhiêu năm nay rồi phải giữ uy tín chứ. Gà của chị xuất ra là chuẩn 100% luôn”. Người bạn đi cùng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua gà thịt quay sang nói nhỏ vào tai tôi: “Để làm lông gà nhanh, các cơ sở thường cho nước rửa bát vào nước để lông được làm sạch và nhanh hơn. Có lẽ vì vậy mà nước sủi bọt?!”. Mỗi con gà được nhúng vào chậu nước chỉ vài chục giây. Khi đưa ra, phần lớn lông phía ngoài con gà đã bị lột để lộ phần da phía trong. Nhanh tay vứt những con gà vào máy, một chị công nhân nói: “Nước sôi quá nên da bị tróc ấy mà?!”.
Gần một chục con gà được đưa vào chiếc máy quay. Sau chưa đầy 2 phút, những con gà đã được làm lông sạch bong. Những người phụ nữ lại nhanh tay chuyển sang khu bể nước để sơ chế. Mỗi người một con dao nhỏ, gà được mổ bụng lấy nội tạng. Phần thịt gà được chuyển sang cho người khác để rửa qua nước rồi để vào những thùng ướp đá đã để sẵn. Phần nội tạng sau khi loại bỏ các chất thải được xếp vào thùng riêng.
Mặc dù số lượng gà bị giết mổ khá lớn nhưng theo quan sát của chúng tôi trong suốt quá trình giết mổ, nước làm gà không được thay. Mỗi khi quay lông xong, người làm lại nhanh tay khua hết chỗ lông gà cũ rồi đưa mẻ gà mới thịt vào quay tiếp. Trên mặt sân, những đống lông gà, chất thải, tiết nằm la liệt. Nước thải nhầy nhụa cộng với mùi hôi nồng khiến chúng tôi thấy buồn nôn. Cứ thế, hàng trăm con gà đã được “hóa kiếp” trước khi trời sáng để kịp chuyển lên xe tải chở đến các khu chế biến đồ ăn cho công nhân.
Hiểm họa rình rậpCó một điểm chung tại các khu giết mổ gia súc, gia cầm đó là luôn ẩn chứa nguy cơ ô nhiễm môi trường. Không chỉ tại cơ sở giết mổ gà mà chúng tôi được tận mắt chứng kiến, cảnh tượng này vẫn diễn ra thường xuyên ngay tại các khu giết mổ ở cả thành thị và nông thôn.
Khu vực chợ Vé, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) từ lâu đã nổi tiếng với nghề giết mổ và bán thịt trâu. Ở đây có khoảng 10 hộ dân chuyên kinh doanh mặt hàng này. Một số hộ dân đổ sàn bê tông ngay cạnh mương nước để tiện việc giết mổ. Thịt trâu được xẻ thành từng mảng, phân loại xương, thịt, đầu, da và nội tạng. Khi giết mổ, sản phẩm bày ngay trên mặt sân, sau đó mới chuyển lên những tấm phản để bán hoặc chuyển vào thùng xốp xuất đi khi khách có nhu cầu. Chất thải đổ ra ngay mương nước gần đó, mùi thối bốc lên khiến ai đi qua cũng cảm thấy khó chịu. Mặc dù mỗi phần thịt đều được che đậy bằng những tấm vải màn mỏng nhưng không tránh khỏi sự "thăm hỏi" của hàng đàn ruồi nhặng bâu quanh. Không ai biết liệu chúng có mang những "mầm bệnh" từ chất thải tại khu giết mổ lên đến bàn ăn của thực khách hay không?
Khi đã ra đến chợ, người tiêu dùng rất khó phân biệt được nguồn gốc thịt
Gần đây, một số nhà hàng trên đường Tuệ Tĩnh kéo dài, cuối đường Nguyễn Lương Bằng, đường Trường Chinh (TP Hải Dương) còn giết mổ thịt nghé từ sáng sớm. Vị trí giết mổ ngay trên vỉa hè. Tiết và chất thải xả ngay trên hè đường, rồi trôi xuống lòng đường, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tới môi trường. Đấy là chưa nói đến nguồn gốc của những con nghé được thịt kia đã được kiểm dịch chưa và có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.
Khi tìm gặp một số chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chúng tôi luôn nhận được sự bảo đảm bằng miệng rằng: “Gà của chị có kiểm dịch đàng hoàng, không ngon chị không lấy tiền”, hay: “Gà được lấy của công ty và trang trại uy tín có giấy kiểm dịch đàng hoàng, chú không phải lo!”. Tuy nhiên, khi chúng tôi muốn xem qua giấy kiểm dịch thì gần như không ai cung cấp được với lý do: “Làm lần đầu thì phải tin tưởng nhau. Chú cứ đặt hàng, thanh toán tiền thì tôi sẽ đưa giấy”.
Lời cảnh báoThực tế qua kiểm tra của lực lượng chức năng, tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm rất đáng lo ngại. Cuối tháng 4 vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh, giết mổ, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh không bảo đảm chất lượng. Ngày 28-4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và một số đơn vị khác kiểm tra 2 cơ sở giết mổ kinh doanh thịt lợn và vận chuyển thịt động vật. Tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Nụ ở thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), đoàn kiểm tra phát hiện 3 con lợn đang được giết mổ, trong đó có một con lợn đã chết trước khi mổ. Ở đây còn có 5 tủ cấp đông 1,8 tấn thịt và xương lợn đang biến đổi màu sắc, hơn 200 lít mỡ và gần 1,3 tấn tóp mỡ đã được đóng bao chuẩn bị tiêu thụ. Chủ cơ sở đã thừa nhận số lượng thịt, mỡ trên được thu mua từ lợn chết về chế biến để kiếm lời. Cơ quan chức năng cũng phát hiện cơ sở của bà Nụ không có giấy phép kinh doanh. Tối cùng ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ chiếc xe tải mang biển kiểm soát 34C.083.03 do lái xe Tăng Văn Rực (sinh năm 1979 ở xã Gia Xuyên, Gia Lộc) cầm lái có chở 1.200 bộ lòng lợn (gồm lòng, tim, gan, dạ dày) với trọng lượng 500 kg. Đối tượng Rực khai nhận chở thuê cho chủ hàng là Nguyễn Văn Vương ở khu 2, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương). Số hàng trên có hóa đơn mua bán nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật. Tất cả các trường hợp vi phạm trên đã bị cơ quan chức năng lập biên bản, thu giữ tang vật và xử lý theo quy định.
Đại tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết: “Các cơ sở kinh doanh và chế biến gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thường hoạt động lén lút, thời gian hoạt động không cố định nên rất khó bị phát hiện. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt chưa nghiêm, chủ yếu là xử phạt hành chính nên chưa có tính răn đe đối với những người vi phạm”.
Vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm rất đáng báo động. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
QUỲNH VY