Ẩn họa từ các cơ sở thu mua phế liệu

12/01/2018 11:10

Kinh doanh, tái chế phế liệu không chỉ góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên mà còn là ngành nghề kiếm sống của không ít người.

Nhiều cơ sở thu mua phế liệu rất dễ xảy ra cháy nổ

Mặc dù vậy, các cơ sở này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Tại một cơ sở thu mua phế liệu ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) lúc hơn 9 giờ sáng, chủ cơ sở đang gom những thùng carton bó gọn lại. Bên cạnh ngổn ngang thau, chậu, ghế nhựa hỏng, dây điện, thiết bị điện tử, sắt vụn… là vỏ chai, vỏ lon bia vứt lăn lóc; bình ắc quy, bình gas, bếp gas cũ, bình oxy…  chất đống. Một góc khác, những chiếc tủ lạnh, tivi, máy giặt hỏng xếp cạnh nhau. Nhìn qua có thể thấy những thùng carton, thau nhựa, đồ điện đều dễ bắt lửa. Chỉ cần sơ sểnh, “bà hỏa” sẽ nuốt chửng nơi này bất cứ khi nào. Hơn nữa, cơ sở thu mua phế liệu này lại nằm ngay cạnh nhà dân nên khi xảy ra sự cố có thể ảnh hưởng tới những hộ xung quanh. Mặc dù vậy, cơ sở này không trang bị bất kỳ một thiết bị phòng cháy, chữa cháy nào.  

Rời quê Nam Định đến TP Hải Dương sinh sống, chị Linh hiện là chủ một cơ sở thu gom phế liệu trên đường Ngô Quyền. Chị Linh thu mua từ giấy báo cũ, thau chậu, quạt, tivi hỏng, dép rách, bình ắc quy đến bếp gas, bình gas hoen gỉ… “Làm nghề này chỉ cần chịu khó nhặt nhạnh, mỗi thứ một tí là có tiền”, chị Linh nói.  Theo chị, kinh doanh phế liệu quan trọng nhất là biết phân loại các vật liệu. Mỗi loại vật liệu có mức giá khác nhau. Nếu không để ý mà nhầm lẫn thì coi như không còn lãi. Chị thường dùng dao, búa, máy cắt để phân chia vật liệu và không thu mua những đồ nghi là trộm cắp. Làm nghề này đã hơn 5 năm nhưng khi được hỏi về công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở thu mua phế liệu của gia đình, chị Linh chỉ lắc đầu cười.

Bên cạnh những cơ sở kinh doanh phế liệu bảo đảm điều kiện kinh doanh, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ còn không ít cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ, mọc lên tự phát. Đa số những điểm thu mua phế liệu thường có điểm tập kết được xây dựng, thiết kế sơ sài, nằm lọt trong khu dân cư, cạnh đường sá đông đúc.

Thiếu tá Phạm Đức Thuận, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (Công an tỉnh) cho biết: “Mặc dù kinh doanh những loại phế liệu dễ cháy nhưng nhiều chủ cơ sở vẫn chưa quan tâm tới công tác phòng cháy, chữa cháy. Nhiều hộ không chấp hành các quy định trong tập kết phế liệu, quản lý nguồn điện, nguồn nhiệt, nguồn lửa…".

 Để bảo đảm an toàn tại các điểm thu mua phế liệu, chủ các cơ sở cần tuân thủ những điều kiện an toàn về phòng chống cháy nổ. Bảo đảm an toàn hệ thống điện, quản lý nguồn nhiệt, nguồn lửa tại các điểm, kho, xưởng. Đồng thời, trang bị những thiết bị phòng cháy, chữa cháy nhằm chủ động ứng phó và kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về phòng chống cháy nổ, tăng cường kiểm tra, quản lý những cơ sở thu gom phế liệu để bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

HÀ NGA


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ẩn họa từ các cơ sở thu mua phế liệu