Sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, trong đó có giảm tiểu cầu. Vậy làm thế nào để tăng tiểu cầu, giúp giảm biến chứng của bệnh...
Tại sao tiểu cầu giảm trong bệnh sốt xuất huyết?
Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu). Ở người bình thường, số lượng tiểu cầu từ 150- 450 nghìn/microlít máu. Nguồn cung cấp tiểu cầu trong tủy xương thường được cơ thể bổ sung liên tục.
Giảm tiểu cầu là một tình trạng đặc trưng bởi số lượng tiểu cầu thấp. Khi bị sốt xuất huyết, virus sẽ xâm nhập vào vòng tuần hoàn, gắn vào các tiểu cầu và nhân lên, khiến virus sốt xuất huyết gia tăng.
Các tế bào tiểu cầu bị nhiễm bệnh này chọn cách tiêu diệt các tiểu cầu bình thường, đây là một trong những lý do chính làm giảm số lượng tiểu cầu trong bệnh sốt xuất huyết.
Dấu hiệu giảm tiểu cầu
Một số triệu chứng giảm tiểu cầu thường chỉ xuất hiện khi số lượng tiểu cầu cực kỳ thấp. Chúng có thể bao gồm:
Chảy máu kéo dài ngay cả khi bị những vết thương nhỏ
Chảy máu cam
Chảy máu chân răng
Nước tiểu có máu
Xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da.
Có máu trong phân, có thể có màu đỏ tươi, đen hoặc hắc ín.
Kinh nguyệt nhiều
Dễ bầm tím
Vùng da có màu đỏ, tím hoặc vàng nâu do xuất huyết dưới da.
Chấm xuất huyết dưới da lòng bàn tay do sốt xuất huyết
Làm thế nào để tăng tiểu cầu?
Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tại nhà để làm tăng số lượng tiểu cầu trong bệnh sốt xuất huyết:
Rau xanh hỗ trợ tăng tiểu cầu
Theo Maryam, chuyên gia dinh dưỡng của Pakistan, rau lá xanh chứa vitamin K, cần thiết cho cơ thể sản xuất protein hỗ trợ quá trình đông máu, làm tăng tiểu cầu.
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Hỗ trợ rối loạn tiểu cầu Pakistan, những người uống vitamin K có sự cải thiện về số lượng tiểu cầu và các triệu chứng chảy máu lần lượt là 27% và 32%.
Các loại rau lá xanh như cải thìa, rau chân vịt, cải xoăn và bông cải xanh… có nhiều vitamin K.
Rau lá xanh chứa vitamin K kích thích tăng tiểu cầu.
Trái cây có múi hỗ trợ tăng tiểu cầu
Trái cây có múi chứa nhiều vitamin C. Loại vitamin này rất cần thiết cho chức năng của tiểu cầu, vì vậy việc nâng cao mức vitamin C có thể giúp tăng tiểu cầu và giúp chúng hoạt động tốt hơn.
Những loại trái cây này cũng có thể hỗ trợ hấp thụ sắt, chất cần thiết cho sự tổng hợp các tế bào hồng cầu. Bạn có thể tăng lượng vitamin C bằng cách ăn nhiều cam tươi, chanh, bưởi...
Trái cây có múi chứa nhiều vitamin C tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.
Thực phẩm giàu chất sắt
Sắt cần thiết cho sự tổng hợp các tế bào hồng cầu, bao gồm cả tiểu cầu. Tăng lượng tiêu thụ sắt có thể giúp bạn tăng tiểu cầu một cách tự nhiên.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, sắt cũng làm tăng tiểu cầu ở những bệnh nhân bị thiếu máu do thiếu sắt. Bạn có thể ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt như đậu lăng, hạt bí ngô và thịt bò…
Các loại thực phẩm giàu chất sắt
Vitamin D
Vitamin D cũng rất quan trọng để tăng tiểu cầu trong bệnh sốt xuất huyết. Nó giúp xương, cơ, dây thần kinh và hệ thống miễn dịch hoạt động tốt.
Mặc dù tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể khiến cơ thể tạo ra vitamin D nhưng không phải ai cũng có thể nhận đủ lượng cần thiết từ ánh nắng mặt trời. Bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, cá hồi, cá ngừ, sữa và sữa chua...
Nghiên cứu tại Mỹ cũng đã phát hiện ra rằng vitamin D còn cần thiết cho các tế bào tủy xương tạo ra tiểu cầu và các tế bào máu khác hoạt động bình thường.
Bổ sung thực phẩm chứa vitamin D giúp tăng tiểu cầu
Thực phẩm giàu folate
Folate hoặc vitamin B9 hỗ trợ và tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh. Nó xuất hiện tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm và được thêm vào những loại khác dưới dạng axit folic. Các nguồn folate tự nhiên bao gồm đậu phộng, đậu mắt đen, đậu tây và nước cam…
Ngoài ra, người bệnh sốt xuất huyết có thể sử dụng các loại thực phẩm khác như bí ngô và hạt, củ cải đỏ, nước dừa xiêm, trà xanh… để làm tăng lượng tiểu cầu trong máu.
Bệnh sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nên điều quan trọng là mỗi người phải tự chăm sóc bản thân bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, ngăn ngừa muỗi đốt, có chế độ ăn hợp lý để cải thiện mức độ bệnh và giảm biến chứng.
Theo Sức khỏe và Đời sống