Một kế hoạch đầu tư tài chính chiến lược và quy mô đang được Nhà Trắng triển khai. Một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do phát triển và hội nhập kinh tế đang được hướng đến.
Đối tác vì hòa bình
“Tự do và cởi mở” là thông điệp mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh khi nói về tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhà Trắng mong muốn với kế hoạch phát triển kinh tế này, tất cả các quốc gia trong khu vực sẽ có khả năng tự bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và được tiếp cận với tất cả các lợi thế thương mại, trong đó có các tuyến đường biển và đường hàng không.
Mike Pompeo và kế hoạch đưa Mỹ trở lại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ảnh: National Interest
Về mặt tài chính, khía cạnh kinh tế của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng hơn mà Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi chỉ là những “bước đi nhỏ” so với đại kế hoạch Vành đai - Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ chương trình của Bắc Kinh tập trung vào việc liên kết các quốc gia thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với Trung Quốc. Trong khi đó, chương trình của Washington nhằm đưa khu vực này hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.
Điểm mấu chốt trong chiến lược ngoại giao khu vực mà Ngoại trưởng Pompeo hướng tới là việc tập trung thúc đẩy đầu tư lĩnh vực kinh tế tư nhân. So với Trung Quốc, các khoản đầu tư mà Bắc Kinh đang rót vào khu vực này đều do nhà nước quản lý và thực hiện. Điều đó có nghĩa là sẽ có hàng loạt những vấn đề liên quan đến ngoại giao và chính trị đi kèm.
Theo nhận định từ Ngoại trưởng Mỹ, nếu để Bắc Kinh xây dựng một con đường, đó chắc hẳn là con đường dẫn đến Trung Quốc. Nhưng nếu để giới tư nhân đầu tư, như xây dựng hệ thống kết nối internet, đó sẽ là con đường mở ra một tương lai mới, phá bỏ mọi khoảng cách và giới hạn. Đồng thời, khi khu vực này trở nên tự do và cởi mở hơn, chính Trung Quốc cũng là một quốc gia hưởng lợi, thậm chí sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu Bắc Kinh cho phép khu vực kinh tế tư nhân hoạt động mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang, chiến lược kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Ngoại trưởng Mỹ đang thúc đẩy phần nào thu hút sự chú ý trong nội bộ chính giới Mỹ.
Chen chân vào khu vực
Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng chiến lược kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Nhà Trắng đang từng bước triển khai là một chương trình không liên quan đến sự kết nối sẵn có mà Trung Quốc đã gây dựng được tại khu vực này.
AIIB và nền tảng giúp Bắc Kinh phát triển Vành đai-Con đường. Ảnh: SCMP
Sau khi người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đưa ra chương trình phát triển kinh tế khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bắc Kinh ngay lập tức bác bỏ mọi quan ngại rằng kế hoạch này sẽ làm suy giảm sự kết nối quốc tế thông qua Vành đai - Con đường. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng Washington nên “làm nhiều hơn nói”, các khoản “tiền thật” nên được đầu tư, thay vì những kế hoạch sáo rỗng.
Theo nội bộ chính giới Trung Quốc, dù có thể hiểu theo nhiều cách, song chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ là một động thái phản ứng lại đại kế hoạch Vành đai - Con đường của Bắc Kinh. Hoặc ít nhất, Nhà Trắng mong muốn chen chân vào khu vực nhằm tìm kiếm một vai trò nhất định, kìm hãm tầm ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Sáng kiến Vành đai - Con đường bao gồm nhiều dự án giao thông và năng lượng trị giá hàng tỷ USD, trải dài trên khắp các quốc gia châu Á, châu Phi và châu Âu. Chỉ riêng kế hoạch hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đã có giá trị lên đến 62 tỷ USD. Chính quyền Bắc Kinh cũng thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có số vốn 100 tỷ USD nhằm tài trợ chính cho các dự án thuộc Vành đai - Con đường.
Giới phân tích chính trị nhận định rằng mặc dù có tồn tại sự lo ngại nhất định từ phía Bắc Kinh, song chiến lược kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington dường như là một “động thái phản ứng ngoại giao” hơn là sự đối đầu trực tiếp với Vành đai - Con đường. Quy mô đầu tư mà Nhà Trắng nêu ra là quá nhỏ để có thể tác động đến Vành đai - Con đường. Thậm chí, chính giới Trung Quốc còn cho rằng quy mô hàng nghìn tỷ USD mà Bắc Kinh đầu tư không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của các quốc gia đang phát triển. Do đó, cần có thêm sự “chung tay” từ bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng.
Nhà Trắng thông qua chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tập trung tìm kiếm đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và phát triển các mối quan hệ đối tác khu vực. Song, câu hỏi đặt ra là giới doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng lợi gì từ các dự án quy mô nhỏ tại các quốc gia đang phát triển và kém phát triển? Về quan điểm kinh tế, các dự án cơ sở hạ tầng tại các quốc gia kém phát triển cần số vốn lớn, rủi ro cao và thu lợi nhuận chậm. Với Vành đai - Con đường, Bắc Kinh không nhất thiết phải đặt mục tiêu tạo ra lợi nhuận bởi quốc gia này muốn cộng đồng thế giới nhìn nhận về vai trò kiến thiết sự phát triển chung. Tuy nhiên, một câu hỏi khác được đặt ra, liệu rằng chiến lược kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cũng có mục tiêu tương tự?
Về phần mình, Australia và Nhật Bản cho biết sẽ cùng Mỹ tạo “bộ ba” nhằm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo nhiều chuyên gia, mối quan hệ đối tác “tay ba” này nhằm tìm kiếm sự ảnh hưởng nhất định, cạnh tranh trực tiếp với Vành đai - Con đường mà Bắc Kinh đang triển khai.
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)