Điều hòa nhiệt độ đã gần 100 tuổi nhưng hầu như không có gì thay đổi so với ngày người ta phát minh ra công nghệ này.
Theo kênh CNN, thiết bị làm mát không khí này đã thay đổi cuộc sống con người, giúp ta sống ở những nơi có cái nóng không thể chịu nổi. Điều hòa không khí cũng rất cần thiết với các doanh nghiệp và công nghệ phụ thuộc vào độ ẩm và nhiệt độ ổn định như máy chủ Internet…
Tuy nhiên, tất cả đều có giá. Làm mát không khí chiếm 10% lượng tiêu thụ điện của toàn thế giới. Khi Trái đất nóng lên, nhu cầu dùng điều hòa nhiệt độ sẽ tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Xu hướng này gây ảnh hưởng lên khí hậu, khiến Trái đất lại ấm hơn và tạo ra vòng luẩn quẩn.
Công nghệ điều hòa không khí hiện nay không bền vững. Đó là lý do ra đời Giải Làm mát toàn cầu (Global Cooling Prize) – một cuộc thi trị giá 1 triệu USD nhằm thu hút ý tưởng thiết kế thế hệ tiếp theo của hệ thống làm mát không khí. Cuộc thi do Chính phủ Ấn Độ và Viện Rocky Mountain của Mỹ (RMI – một tổ chức nghiên cứu môi trường phi lợi nhuận) chủ trì.
Hiện nay có 1,2 tỷ máy điều hòa nhiệt độ phòng được lắp đặt nhưng con số đó sẽ tăng lên 4,5 tỷ vào năm 2050. Theo ông Iain Campbell, Giám đốc quản lý của RMI, mức cầu về điện sẽ rất lớn. Ông Campbell nói: “Tình huống tiến thoái lưỡng nan là nó gây ra cái giá môi trường mà chúng ta không thể cáng đáng nổi. Đó là một loại đe dọa khí hậu bạn không thấy ngay mà sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai”.
Cuộc thi thiết kế lại điều hòa khuyến khích thí sinh thiết kế giải pháp làm mát sao cho giảm ảnh hưởng với khí hậu 5 lần so với công nghệ hiện nay. Để đạt được hiệu quả này, các thiết kế đề xuất được phép đắt hơn điều hòa không khí hiện nay nhưng không được đắt hơn gấp đôi.
Thí sinh phải tuân thủ thêm 7 quy tắc nữa mà phần lớn là để ngăn chặn hậu quả ngoài ý muốn ví dụ như dùng quá nhiều nước hay kim loại đất hiếm…
Ban giám khảo đã chọn ra 8 thí sinh vào vòng chung kết. Họ sẽ phải xây dựng bản mẫu hoạt động được để thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và điều kiện thế giới thực tại một căn hộ chung cư ở Delhi. Ông Campbell nói: “Chúng tôi sẽ thử nghiệm 60 ngày vào thời điểm giữa hè ở Delhi. Ấn Độ sẽ là thị trường làm mát lớn nhất trong 30 năm tới, tăng từ 14 triệu điều hòa không khí ngày nay lên gần 1 tỷ chiếc năm 2050”.
Cuộc thi đã thu hút trên 2.100 thí sinh từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ. 8 thí sinh vào vòng chung kết được cấp 200.000 USD để làm máy điều hòa mẫu và chuyển tới Ấn Độ để thử nghiệm trong hè 2020. 3 thí sinh tới từ Ấn Độ, 3 tới từ Mỹ, 1 tới từ Anh và 1 tới từ Trung Quốc.
Thiết kế đề xuất dùng nhiều công nghệ, từ nén hơi tới làm mát bằng bay hơi. Mẫu thiết kế của công ty Barocal ở Anh dùng công nghệ làm mát trạng thái rắn thay vì chất làm lạnh lỏng truyền thống. Đề xuất của công ty Mỹ Kraton chỉ dùng nước để làm điều hòa rẻ hơn và dễ sản xuất hơn.
Một thiết kế của công ty M2 Thermal Solutions (Mỹ) thì cho phép người dùng thiết lập cả nhiệt độ và độ ẩm trong phòng. Các thiết kế khác tập trung vài hạn chế của điều hòa không khí hiện nay, ví dụ thiếu kiểm soát cùng lúc độ ẩm và nhiệt độ.
Người giành chiến thắng sẽ được thông báo vào tháng 11.2020 và sẽ được tặng 1 triệu USD. Sau đó, thử thách thực sự mới bắt đầu: thuyết phục thế giới rằng đã đến lúc cần thay thế điều hòa nhiệt độ truyền thống. Ông Vijay Mhetar, Phó Chủ tịch Công ty Kraon nói: “Thiết kế mới sẽ cần giảm thiểu các rào cản để khách hàng sử dụng và cần có chuỗi cung tương tự hiện nay”.
Theo ông Xavier Moya từ Công ty Barocal, thách thức chính là thuyết phục người dùng mua điều hòa nhiệt độ dựa trên hiệu suất và ảnh hưởng tới khí hậu thay vì giá cả.
Theo Baotintuc