Hình thành hơn 10 năm nay, nghề làm long nhãn xã An Bình (Nam Sách) ngày càng phát triển, thu hút nhiều gia đình làm nghề...
Nghề làm long nhãn ở An Bình thu hút nhiều lao động lúc nông nhàn
Hình thành hơn 10 năm nay, trải qua năm tháng, nghề làm long nhãn xã An Bình (Nam Sách) ngày càng phát triển, thu hút nhiều gia đình làm nghề, tạo việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
Rộn rã ngày mùaTrong những ngày này, trên nhiều ngả đường vào xã An Bình, chúng tôi bắt gặp từng tốp người chở những sọt nhãn đầy ắp về tập kết tại các lò sấy. Tại các cơ sở sấy nhãn, người tuốt nhãn, người tách vỏ, người đưa phên long nhãn vào lò sấy. Anh Lê Đình Hải, chủ một cơ sở sấy nhãn cho biết: Nghề làm long nhãn xuất hiện tại thôn An Đông từ năm 1995, do cụ Nguyễn Đình Nhân (nay đã qua đời) đưa về, rồi lan sang thôn An Đoài. Ban đầu chỉ có vài hộ làm, sau đó nghề phát triển dần, đến nay đã có gần 40 gia đình làm nghề thường xuyên, có năm thu hút hơn 50 gia đình tham gia. Làm long nhãn là nghề mang tính thời vụ, chỉ kéo dài trong vòng 1 tháng, thường thì bắt đầu từ ngày 5 - 6 đến 5 - 7 (âm lịch). Vì tính chất thời vụ như vậy nên người làm nghề những ngày này rất bận rộn. Từ sáng sớm, mọi người đã phải đến các vùng nguyên liệu để bẻ và cân nhãn, người ở nhà xoáy long nhãn. Các lò sấy đều hoạt động hết công suất. Mỗi gia đình làm long nhãn thu hút từ 20 - 40 lao động. Hiện tại, cơ sở làm long nhãn của gia đình anh Hải có 30 lao động làm việc, trung bình mỗi ngày gia đình anh chế biến khoảng 4 tạ nhãn tươi, tương đương 40 kg long nhãn thành phẩm. Tính từ đầu vụ đến nay, gia đình anh Hải chế biến gần 10 tấn nhãn tươi.
Anh Lương Khắc Quang ở thôn An Đông là một trong những người làm long nhãn sớm nhất xã. Những ngày này, cơ sở của anh cũng hết sức bận rộn. Bên ngoài từng tốp người ngồi xoáy long nhãn còn phía trong anh Quang khẩn trương đưa mẻ long nhãn vừa sấy ra lò để kịp đưa mẻ mới vào. Anh Quang cho biết: "Năm 1997, sau khi tìm hiểu thực tế nghề làm long nhãn tại Hưng Yên và tỉnh ta cũng có nhiều nhãn, nên tôi đã quyết định làm nghề. Từ đó đến nay, năm nào gia đình tôi cũng làm từ 8 - 10 tấn nhãn tươi, có năm tới 15 tấn. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi làm được khoảng 6 tấn nhãn tươi, tương đương 6 tạ long nhãn thành phẩm".
Không riêng cơ sở của gia đình anh Hải, anh Quang mà hầu hết các cơ sở làm long nhãn khác ở An Bình những ngày này đều tấp nập, gia đình nào cũng thường xuyên có từ 20- 30 lao động làm việc. Em Nguyễn Thị Phương, hiện đang là học sinh ở thôn An Đoài cho biết: "Tranh thủ những ngày hè, em đi xoáy nhãn thuê để có thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ và tự lo sách vở cho năm học mới. Mỗi cân nhãn tươi xoáy em được từ 2.500 - 3.000 đồng. Một ngày em có thể xoáy được 25 - 30 kg".
Làm nghề cũng lắm công phuNói về nghề làm long nhãn, anh Lê Đình Hải cho biết, nghề làm long nhãn khá vất vả. Để có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho làm nghề, ngay từ thời điểm cây nhãn ra hoa các chủ lò đã phải đến từng gia đình để xem cây rồi dự đoán lượng quả và mua “vo”. Tùy vào số lượng hoa và thời tiết mỗi năm để tính toán, đưa ra giá cho mỗi cây nhãn. Thường những cây nhỏ có giá từ 300 - 400 nghìn đồng, nếu cây to, ước sai quả thì lên tới 0,8 - 1 triệu đồng, cũng có nhiều cây lên tới 1,5 - 1,7 triệu đồng. Kinh nghiệm của những người làm nghề là theo dõi diễn biến thời tiết để dự đoán giá nhãn hằng năm. Ngoài ra, việc chăm sóc, trông nom, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, khi chuẩn bị đến vụ thu hoạch còn phải canh dơi, nếu dơi nhiều thì phải phủ lưới để bảo vệ cây.
Theo anh Lương Khắc Quang, để làm long nhãn ngon, đẹp, quan trọng nhất là phải chọn được nhãn cùi, ngon nhất là nhãn đường phèn, nhãn hương chi cho cùi dầy, thơm, ngọt. Sau khi nhãn tuốt bỏ cành, dùng vật nhọn như ngòi bút để xoáy rồi xếp nhãn đều đặn vào từng phên lưới, tiếp đó cho nhãn vào lò sấy. Việc xoáy long nhãn đơn giản nhưng đòi hỏi người xoáy phải cẩn thận, không vội vã nếu không long nhãn sẽ bị rách, nát, khi sấy tỷ lệ hao hụt cao lại không đẹp. Sấy long nhãn cũng là cả một quá trình và phụ thuộc không ít vào thời tiết, nếu trời mưa, độ ẩm cao long nhãn sẽ hấp thụ hơi nước nhiều, long sẽ không đẹp, thời gian sấy cũng dài hơn. Nhãn sấy trong lò đốt bằng than, trung bình 10 - 12 tiếng là được một mẻ. Nhiệt độ trong lò sấy luôn phải giữ ổn định ở mức 50 - 60 độ C, không được cao quá, nếu không long nhãn sẽ bị cháy. Quá trình sấy phải đảo phên long trung bình 2 tiếng/lần để các phên long có màu vàng đều. Sau khi hoàn tất công đoạn sấy, long nhãn được đặt ở nơi thoáng mát, đợi đến khi nguội mới được cho vào bao ni-lông...
Làm long nhãn ở An Bình giờ đã trở thành một nghề có thu nhập. Long nhãn sấy xong, lái buôn ở Hưng Yên tìm về thu mua. Mỗi cân long nhãn thành phẩm bán buôn với giá 130 - 140 nghìn đồng, có thời điểm và sản phẩm long nhãn đẹp lên tới 150 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi mùa nhãn, trung bình một gia đình làm nghề thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng, có gia đình làm nhiều thu lãi cả trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Quang Dung, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, tuy mang tính thời vụ nhưng nghề làm long nhãn ở An Bình đã mang lại giá trị kinh tế lớn cho nhiều gia đình. Nghề làm long nhãn còn giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương trong thời điểm nông nhàn. Đặc biệt, nghề làm long nhãn đã tận dụng được cả lao động ở lứa tuổi học sinh và các cụ già, giúp họ có thêm thu nhập.
HÀ VY