Âm ỉ nỗi đau da cam

26/03/2021 09:42

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng nỗi đau da cam vẫn âm ỉ trong ngôi nhà của không ít người từng trải qua thời quân ngũ.


Nhiều năm qua, bà Tiến đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm

Nhiều người vợ, người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc những cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam và con cháu họ.

Phụ nữ làm trụ cột gia đình

Hằng ngày, ông Phạm Đức Thông (68 tuổi) ở thôn Hoành Lộc, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) chỉ quẩn quanh chăm sóc đàn gà. Còn vợ ông là bà Nguyễn Thị Lá (63 tuổi) phải làm những việc nặng nhọc hơn. "Mấy hôm nay thay đổi thời tiết, tay chân tôi sưng tím hết các khớp nên không phụ bà ấy xay xát gạo được. Từ ngày ở chiến trường về, người như quả chanh vắt hết nước, tôi có cố gắng cũng chỉ đỡ được phần nào, còn lại mọi gánh nặng đều đổ lên vai bà ấy", ông Thông kể.

Ông Thông tình nguyện nhập ngũ năm 1971, là bộ đội đặc công chiến đấu nhiều năm tại các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi... Năm 1975, ông về phép, xây dựng gia đình với bà Lá, đến năm 1978 thì phục viên vì sức khỏe yếu. Chiến đấu nhiều năm ở những vùng nhiễm chất độc da cam (CĐDC) nặng nên từ đó đến nay ông thường xuyên đau ốm. Các khớp tay, chân có lúc mọc những cục u to bằng đầu đũa, cứ trái gió trở trời là sưng tím, đau đớn không đi lại được. Vợ chồng ông có 4 người con thì người con thứ 3 mất từ nhỏ, những người còn lại sức khỏe yếu. Vợ chồng ông Thông còn phụng dưỡng mẹ già năm nay 97 tuổi. Những năm qua, vừa chăm sóc gia đình, bà Lá vừa cày cấy, làm máy xát, ông Thông nuôi gà, vịt, phụ vợ. Nguồn thu từ máy xát là thu nhập chính của cả gia đình.

Cũng như bà Lá, bà Đỗ Thị Hòa (64 tuổi) ở khu Nhân Hưng, thị trấn Nam Sách nhiều năm là trụ cột gia đình. Bà lập gia đình với ông Phạm Quang Sáng (71tuổi), từng có thời gian chiến đấu ở khu vực Tây Nguyên. Vợ chồng bà có 4người con, trong đó người con cả Phạm Thị Hằng (43 tuổi) và người con út Phạm Ngọc Hân (37 tuổi) từ nhỏ đến giờ phải di chuyển bằng tay. Bị nhiễm CĐDC nên nhiều lúc ông Sáng không tỉnh táo, phải điều trị thần kinh. Chồng và các con ốm đau liên miên, bà Hòa tần tảo sớm hôm, nhưng thu nhập nhiều khi không đủ để thuốc thang, chạy chữa cho chồng con, thường xuyên phải vay mượn của anh em, làng xóm.  

Gian nan chữa bệnh cho con

Hằng ngày, anh Bùi Văn Cường, con ông Bùi Văn Căn và bà Trần Thị Tiến ở thị trấn Gia Lộc ngồi xe lăn ra trước cửa nhìn học sinh đi ngang qua. Ông Căn nhập ngũ năm 1974, lái xe vận chuyển hàng hóa qua khu vực Khe Sanh (Quảng Trị). Sau năm 1975, đơn vị ông trở về Hà Nội. Ông tiếp tục công tác trong đơn vị đến năm 1997 thì nghỉ hưu. Lận đận trong chuyện tình duyên nên mãi năm 1989, trong một lần về phép, ông mới lập gia đình với bà Tiến. Năm 1992, bà Tiến sinh được anh Cường. Mới sinh, tay chân anh Cường co quắp, thường xuyên bị co giật. Vài tháng sau, bà Tiến đưa con đi khắp các bệnh viện chạy chữa. "Ngày đó, bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương nói chỉ còn 1% khả năng chữa trị để cháu có thể đi lại, vận động được nhưng tôi không từ bỏ hy vọng. Chỉ cần nhìn thấy con cười là tôi quên hết nỗi vất vả", bà Tiến chia sẻ. Bà Tiến nhiều lần đưa con đi chữa trị ở Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh... ai mách ở đâu có thầy thuốc giỏi là bà lại tìm đến.

Giống như bà Tiến, nhiều năm nay, bà Hòa vẫn theo các con từ nhà đến bệnh viện. May mắn hơn nhiều nạn nhân nhiễm CĐDC khác, con bà nhận thức và đi học được. Chị Hằng nghỉ học năm lớp 11, còn anh Hân nghỉ học năm lớp 9. Học xong, chị Hằng làm may ở nhà, anh Hân tay chân yếu nên không làm được gì. Đến năm 2012, ông Sáng mất do ung thư. Ngay sau khi bố mất, hai chị em Hằng, Hân lại đổ bệnh. Chị Hằng bị viêm cầu thận, lupus ban đỏ, anh Hân bị viêm phổi nặng. Đến nay, bệnh tình cả hai chị em đều trở nặng, không đi lại được như trước mà chỉ ở trên giường. Từ nằm chuyển sang ngồi cũng phải có người đỡ. Hằng tháng, bà Hòa phải thuê xe đưa chị Hằng lên bệnh viện kiểm tra định kỳ và lấy thuốc. "Từ khi Hằng mắc bệnh đến nay, gia đình tôi đã mất hàng trăm triệu đồng để chữa trị. Không mong con được khỏe mạnh như người ta, tôi chỉ ước cháu đỡ đau đớn do bệnh tật", bà Hòa ngậm ngùi nói.

Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau da cam còn mãi. Trong thời bình, vẫn còn những người mẹ, người vợ tảo tần tiếp tục phải hy sinh cho chồng, cho con của họ.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Âm ỉ nỗi đau da cam